Yêu cầu kỹ thuật hệ thống đèn và tín hiệu của sơ mi rơ moóc tải

Yêu cầu kỹ thuật hệ thống đèn và tín hiệu của sơ mi rơ moóc tải được quy định thế nào? Chào Ban biên tập Thư ký luật, tôi là Dũng, đang sinh sống tại Đà Nẵng. Tôi có một thắc mắc rất mong nhận được câu trả lời của Ban biên tập. Ban biên tập cho tôi hỏi yêu cầu kỹ thuật hệ thống đèn và tín hiệu của sơ mi rơ moóc tải được quy định thế nào? Vấn đề này được quy định ở đâu? Rất mong nhận được câu trả lời của Ban biên tập. Xin cám ơn. (Tiến Dũng_091***)

Yêu cầu kỹ thuật hệ thống đèn và tín hiệu của sơ mi rơ moóc tải được quy định cụ thể tại Điểm 2.14 Quy chuẩn quốc gia QCVN 11:2015/BGTVT về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với rơ moóc và sơ mi rơ moóc, theo đó, hệ thống đèn và tín hiệu của sơ mi rơ moóc tải phải đảm bảo các yếu tố sau:

1. Xe phải trang bị các loại đèn và tín hiệu sau đây: đèn báo rẽ sau, đèn cảnh báo nguy hiểm, đèn vị trí sau (đèn kích thước sau), đèn phanh, đèn lùi, đèn soi biển số sau.

2. Các đèn của xe phải được lắp đặt chắc chắn, bảo đảm duy trì các đặc tính quang học của chúng khi xe vận hành.

3. Các đèn sau đây phải được lắp thành cặp: đèn báo rẽ, đèn vị trí,đèn phanh (có ít nhất 2 đèn phanh lắp thành cặp). Các đèn tạo thành cặp phải thỏa mãn các yêu cầu sau:

- Được lắp vào xe đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe;

- Cùng màu.

4. Đèn phải phù hợp với yêu cầu quy định.

5. Vị trí lắp đặt các loại đèn được tuân thủ theo quy định.

6. Các yêu cầu khác:

2.14.6.1. Đèn lùi: Đèn lùi phải bật sáng khi cần số của xe kéo ở vị trí số lùi và công tắc khởi động động cơ đang ở vị trí mà động cơ có thể hoạt động được. Đèn phải tắt khi một trong hai điều kiện trên không thỏa mãn.

2.14.6.2. Đèn biển số

a) Ánh sáng của đèn biển số không được chiếu ra phía sau xe.

b) Khi đèn chiếu sáng phía trước của xe kéo bật thì đèn biển số của xe cũng phải sáng và nó không thể tắt được bằng công tắc riêng.

c) Đèn phanh

- Đèn phanh phải bật sáng khi hệ thống phanh chính của xe kéo hoạt động.

- Trong trường hợp dùng kết hợp với đèn vị trí, đèn phanh phải sáng hơn rõ rệt so với đèn vị trí.

d) Đèn báo rẽ

- Tất cả các đèn báo rẽ ở cùng một bên của xe phải nhấp nháy cùng pha. Tần số nháy từ 60 lần/phút đến 120 lần/phút.

- Thời gian từ khi bật công tắc trên xe kéo đến khi đèn báo rẽ của xe phát tín hiệu báo rẽ không quá 1,5 giây.

đ) Đèn cảnh báo nguy hiểm

Khi bật công tắc trên xe kéo các đèn cảnh báo nguy hiểm phải nháy đồng thời và cùng tần số. Đèn cảnh báo nguy hiểm có thể dùng kết hợp với đèn báo rẽ. Các yêu cầu về vị trí lắp đặt, màu sắc, số lượng tối thiểu, cường độ sáng và chỉ tiêu kiểm tra bằng quan sát của đèn cảnh báo nguy hiểm cũng tương tự như đối với đèn báo rẽ.

e) Không được lắp đèn có ánh sáng trắng hướng về phía sau xe (trừ đèn lùi).

Trên đây là tư vấn về yêu cầu kỹ thuật hệ thống đèn và tín hiệu của sơ mi rơ moóc tải. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo tại Quy chuẩn quốc gia QCVN 11:2015/BGTVT về chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với rơ moóc và sơ mi rơ moóc.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào