Trả tiền cọc khi gia hạn thuê phòng trọ thế nào?
Điều 121 Luật Nhà ở 2014 quy định Hợp đồng về nhà ở như sau:
Hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm các nội dung sau đây:
1. Họ và tên của cá nhân, tên của tổ chức và địa chỉ của các bên;
2. Mô tả đặc điểm của nhà ở giao dịch và đặc điểm của thửa đất ở gắn với nhà ở đó. Đối với hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua căn hộ chung cư thì các bên phải ghi rõ phần sở hữu chung, sử dụng chung; diện tích sử dụng thuộc quyền sở hữu riêng; diện tích sàn xây dựng căn hộ; mục đích sử dụng của phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư theo đúng mục đích thiết kế đã được phê duyệt ban đầu;
3. Giá trị góp vốn, giá giao dịch nhà ở nếu hợp đồng có thỏa thuận về giá; trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở mà Nhà nước có quy định về giá thì các bên phải thực hiện theo quy định đó;
4. Thời hạn và phương thức thanh toán tiền nếu là trường hợp mua bán, cho thuê, cho thuê mua, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở;
5. Thời gian giao nhận nhà ở; thời gian bảo hành nhà ở nếu là mua, thuê mua nhà ở được đầu tư xây dựng mới; thời hạn cho thuê, cho thuê mua, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở; thời hạn góp vốn;
6. Quyền và nghĩa vụ của các bên;
7. Cam kết của các bên;
8. Các thỏa thuận khác;
9. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
10. Ngày, tháng, năm ký kết hợp đồng;
11. Chữ ký và ghi rõ họ, tên của các bên, nếu là tổ chức thì phải đóng dấu (nếu có) và ghi rõ chức vụ của người ký.
Như vậy, theo quy định trên thì đối với hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản. Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn, bạn có thuê nhà trọ để ở, sau khi hết hạn hợp đồng, hai bên tiếp tục gia hạn bằng lời nói nhưng không lập thành văn bản, vì vậy, trong trường hợp này hợp đồng thuê nhà giữa bạn và chủ nhà sẽ bị vô hiệu theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015, khi hợp đồng dân sự vô hiệu, hai bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận. Bạn trả lại nhà cho chủ nhà, chủ nhà trả lại tiền thuê nhà bạn đã trả trong thời hạn gia hạn sau này.
Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc vật có giá trị trong một thời hạn nhất định để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng; trong trường hợp hợp đồng được thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn, khi giao kết hợp đồng thuê nhà 3 tháng đầu, bạn có đặt cọc tiền thuê nhà, vì vậy, theo quy định, khi hợp đồng chính là hợp đồng thuê nhà trong 3 tháng đầu đã được thực hiện xong thì bên nhận cọc có trách nhiệm trả lại tiền cho bên đặt cọc; chủ nhà bạn lấy lý do là phòng bạn không trả chăn gối nhưng trên thực tế bạn không có sử dụng thì việc giữ tiền đặt cọc của bạn là không có căn cứ. Trong trường hợp này, khi hết hạn hợp đồng thuê nhà bạn có quyền lấy lại số tiền đặt cọc.
Nếu chủ nhà không trả lại tiền đặt cọc, bạn có thể làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân nơi chủ nhà cư trú để yêu cầu giải quyết.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc trả tiền cọc khi gia hạn thuê phòng trọ. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Nhà ở 2014 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật