Khởi kiện tranh chấp hợp đồng kinh doanh, thương mại như thế nào?
Điều 24 Luật Thương mại 2005 quy định hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại như sau:
"1. Hợp đồng mua bán hàng hoá được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
2. Đối với các loại hợp đồng mua bán hàng hoá mà pháp luật quy định phải được lập thành văn bản thì phải tuân theo các quy định đó.”
Theo quy định trên thì hợp đồng mua bán hàng hóa trong thương mại có thể được thể hiện bằng lợi nói, văn bản hoặc xác lập bằng các hành vi cụ thể trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn, công ty A và công ty B có thỏa thuận mua bán một số máy móc nhất định, bên mua chưa ký tên và đóng dấu, nhưng trên thực tế hai bên có thỏa thuận thông qua lời nói và đã đồng ý giao kết với nhau, như vậy, trong trường hợp này, hợp đồng sẽ phát sinh hiệu lực.
Trong quá trình làm việc, bên bạn nhận thấy bên bán không hỗ trợ và thực hiện không đúng cam kết trước đó thì bạn xem lại trong hợp đồng giữa bạn và bên bán để xử lý theo hợp đồng của hai bên. Nếu hai bên không có thỏa thuận cụ thể trong trường hợp này thì sẽ xử lý theo quy định tại Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.
4. Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.
5. Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.
Như vậy, nếu trong quá trình thực hiện hợp đồng, bên bán vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thì bên bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có.
Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về đặt cọc như sau:
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Theo quy định trên, việc bạn có lấy được tiền đặt cọc hay không phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Nếu theo thỏa thuận ban đầu giữa bên bán và bên mua xác định nếu bên bán vi phạm thì phải trả lại tiền đặt cọc thì trong trường hợp này bên bán có trách nhiệm trả lại tiền đặt cọc cho bên bạn.
Nếu bên bán vi phạm mà không đồng ý chấm dứt hợp đồng và trả lại tiền đặt cọc (nếu có theo thỏa thuận) thì bên bạn có quyền khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bên bán đang có trụ sở hoạt động để yêu cầu giải quyết.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về khởi kiện tranh chấp hợp đồng kinh doanh, thương mại. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Thương mại 2005 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật