Khởi kiện phân chia di sản thừa kế là bất động sản

Bà nội em có 5 người con 2 trai 3 gái, các cô bác đều cắt hộ khẩu đi nới khác lập nghiệp trước năm 2000. Năm 2002 bà nội em mất không để lại di chúc. Cha em mới thừa kế đất đai nhà cửa, giấy tờ đất đai nhà cửa chuyển qua tên cha em đứng đến năm 2014 thì cha em mất. Mẹ em mới làm hồ sơ xin chia phần đất ra làm 2 phần, 1 phần đứng tên mẹ em, 1 phần đứng tên em. Cả em và mẹ em đều có sổ hồng. Nếu bây giờ em bán phần đất mà em đứng tên thì các cô bác có quyền đòi chia tài sản với em hay của mẹ em hay không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn, bà nội bạn có 5 người con là 2 trai, 3 gái, các cô bác đều cắt hộ khẩu đi nơi khác, năm 2002 bà nội bạn mất không để lại di chúc, theo quy định của Điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 thì trong trường hợp này, di sản của bà bạn để lại sẽ chia theo pháp luật, chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm có: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Như vậy, theo quy định thì các cô và bác bạn cũng có quyền được hưởng di sản thừa kế. Do cha bạn sau khi bà bạn mất đã hưởng hết di sản thừa kế, tuy nhiên bạn không nói rõ vào thời điểm đó có văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hợp lệ hay không?

Nếu vào thời điểm sau khi bà nội bạn mất: những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất có văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hợp pháp, trong đó có để lại di sản thừa kế cho cha của bạn thì việc bố bạn đứng tên trên đất đai nhà cửa là hợp pháp, sau đó, chuyển sang mẹ bạn và bạn cũng là hợp pháp. Lúc này các cô, bác không có quyền đòi chia tài sản.

Nếu vào thời điểm sau khi bà nội bạn mất, nhưng người thuộc hàng thừa kế thứ nhất không có văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có nội dung để lại di sản cho cha của bạn, thì việc cha bạn thừa kế hết phần di sản, sau đó, chuyển sang cho bạn và mẹ bạn là không hợp pháp. Lúc này, các bác và các cô bạn có quyền khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về khởi kiện phân chia di sản thừa kế là bất động sản. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Di sản thừa kế

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào