Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi cho con khi mẹ đứng ra bảo hộ và thế chấp tài sản?
Định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên được quy định tại Khoản 2 Điều 77 Luật Hôn nhân gia đình 2014 như sau: Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.
Điều 141 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về phạm vi đại diện như sau:
Người đại diện chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện theo căn cứ sau đây:
a) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
b) Điều lệ của pháp nhân;
c) Nội dung ủy quyền;
d) Quy định khác của pháp luật.
Căn cứ theo quy định trên, giao dịch dân sự do người mẹ thế chấp ngân hàng để vay tiền tiêu xài không vì lợi ích của người con chưa thành niên, phần tài sản riêng của người con chưa thành niên trong 2 mảnh đất trên mà người mẹ giao dịch sẽ bị vô hiệu.
Theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Dân sự 2015 về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì:
1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp sau đây:
a) Người được đại diện đồng ý;
b) Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
c) Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.
2. Trường hợp giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.
3. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
4. Trường hợp người đại diện và người giao dịch với người đại diện cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự vượt quá phạm vi đại diện mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.
Theo Khoản 2 Điều 86 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định người có quyền yêu cầu hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên gồm người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, hội liên hiệp phụ nữ… Sau khi có quyết định của Tòa án, việc quản lý tài sản riêng của con được giao cho người giám hộ mới theo quy định của Bộ luật dân sự.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về bảo vệ quyền lợi cho con khi mẹ đứng ra bảo hộ và thế chấp tài sản. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật