Các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản theo quy định hiện hành
Theo quy định tại Điều 158 Bộ luật Dân sự 2015 thì: Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.
Theo như bạn trình bày, A và B là đồng chủ sở hữu đối với chiếc xe ô tô, A và B có những quyền đối với chiếc xe như sau:
- Quyền chiếm hữu: Trong trường hợp chủ sở hữu chiếm hữu tài sản thuộc sở hữu của mình thì chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý tài sản nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Việc chiếm hữu của chủ sở hữu không bị hạn chế, gián đoạn về thời gian, trừ trường hợp chủ sở hữu chuyển giao việc chiếm hữu cho người khác hoặc pháp luật có quy định khác.
- Quyền sử dụng: Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.
Trong trường hợp chủ sở hữu thực hiện quyền sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình thì chủ sở hữu được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
- Quyền định đoạt: Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó.
Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.
Trường hợp A và B cầm cố chiếc xe để vay tiền nhưng đến hạn không có khả năng trả nợ thì việc xử lý thực hiện theo thỏa thuận giữa bên nhận cầm đồ và bên cầm đồ. Nếu không thỏa thuận được thì có quyền khởi kiện tới Tòa để yêu cầu giải quyết tranh chấp.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản theo quy định hiện hành. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật