Yêu cầu về hóa học đối với đồ chơi trẻ em
Yêu cầu về hóa học đối với đồ chơi trẻ em được quy định tại Mục 2.1.3 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 3:2009/BKHCN về an toàn đồ chơi trẻ em, theo đó:
1. Giới hạn mức thôi nhiễm của một số nguyên tố độc hại
Yêu cầu về giới hạn mức thôi nhiễm của một số nguyên tố độc hại theo TCVN 6238-3 : 2008 (ISO 8124-3:1997) An toàn đồ chơi trẻ em – Phần 3: Mức giới hạn xâm nhập của các độc tố.
2. Giới hạn về hợp chất hữu cơ độc hại
a. Chất lỏng trong đồ chơi trẻ em
Chất lỏng có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được có độ pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0 khi thử nghiệm theo ISO 787-9. Yêu cầu này không áp dụng cho mực viết trong dụng cụ để viết.
b. Formaldehyt trong đồ chơi cho trẻ em dưới 3 tuổi
- Các chi tiết vải dệt có thể tiếp xúc được không được chứa hàm lượng formaldehyt tự do và formaldehyt đã thủy phân vượt quá 30 mg/kg.
- Các chi tiết giấy có thể tiếp xúc được không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg.
- Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc được không được chứa hàm lượng formaldehyt giải phóng vượt quá 80 mg/kg.
c. Các amin thơm trong đồ chơi trẻ em
Hàm lượng của các amin thơm (bao gồm cả các dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo trong mẫu) có trong vật liệu sản xuất đồ chơi trẻ em không được vượt quá mức quy định.
d. Ngoài ra, đồ chơi trẻ em phải đáp ứng các yêu cầu giới hạn mức thôi nhiễm về các hợp chất hữu cơ độc hại khác được quy định tại các văn bản có liên quan.
Trên đây là quy định về yêu cầu về hóa học đối với đồ chơi trẻ em. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 3:2009/BKHCN về an toàn đồ chơi trẻ em.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật