Việc tổ chức điều hành ngân sách nhà nước được quy định như thế nào?
Theo quy định hiện hành tại Điều 36 Nghị định 163/2016/NĐ-CP thì việc tổ chức điều hành ngân sách nhà nước được quy định như sau:
1. Cơ quan tài chính có trách nhiệm bảo đảm nguồn để thanh toán kịp thời các khoản chi theo dự toán. Trường hợp quỹ ngân sách thiếu hụt tạm thời được xử lý như sau:
a) Xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách trung ương: Bộ Tài chính tạm ứng quỹ dự trữ tài chính của trung ương và các nguồn tài chính hợp pháp khác, bao gồm cả phát hành tín phiếu Kho bạc Nhà nước và phải hoàn trả trong năm ngân sách. Trường hợp sau khi tạm ứng quỹ dự trữ tài chính của trung ương và các nguồn tài chính hợp pháp khác, bao gồm cả phát hành tín phiếu Kho bạc Nhà nước, mà vẫn còn thiếu nguồn, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm ứng từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật ngân sách nhà nước;
b) Xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách cấp tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh và các nguồn tài chính hợp pháp khác và phải hoàn trả trong năm ngân sách. Trường hợp sau khi tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh và các nguồn tài chính hợp pháp khác mà vẫn thiếu nguồn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính để tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính của trung ương hoặc tạm ứng ngân sách trung ương và phải hoàn trả trong năm ngân sách;
c) Xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách cấp huyện: Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, các nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc tạm ứng ngân sách cấp tỉnh và thực hiện hoàn trả trong năm ngân sách;
d) Xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách cấp xã: Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tạm ứng từ ngân sách cấp huyện cho ngân sách cấp xã và phải hoàn trả trong năm ngân sách. Trường hợp, ngân sách cấp huyện không đáp ứng được, Ủy ban nhân dân huyện đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh hoặc tạm ứng ngân sách cấp trên và phải hoàn trả trong năm ngân sách.
2. Trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước, trường hợp dự kiến số thu không đạt dự toán được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm một số khoản chi và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; Ủy ban nhân dân trình Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định điều chỉnh giảm một số khoản chi và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất theo quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 52 Luật ngân sách nhà nước.
3. Việc điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách được thực hiện theo quy định tại Điều 53 Luật ngân sách nhà nước.
4. Trường hợp chi đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ nhà tài trợ chưa được dự toán hoặc vượt so với dự toán được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
5. Việc sử dụng quỹ dự trữ tài chính để đáp ứng các nhu cầu chi của ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Luật ngân sách nhà nước và Điều 8 của Nghị định này.
6. Kết thúc năm ngân sách, trường hợp có tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách, Bộ Tài chính trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan tài chính địa phương trình Ủy ban nhân dân để báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số bổ sung dự toán số tăng thu ngân sách; phân bổ, sử dụng tăng thu, số tiết kiệm chi ngân sách theo quy định khoản 2 Điều 59 Luật ngân sách nhà nước.
7. Việc thưởng vượt dự toán các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 59 Luật ngân sách nhà nước và bảo đảm các nguyên tắc sau:
a) Tổng thu ngân sách trung ương tăng so với dự toán Quốc hội quyết định;
b) Tỷ lệ thưởng không quá 30% của số tăng thu phần ngân sách trung ương được hưởng, nhưng không vượt quá số tăng thu so với mức thực hiện năm trước. Căn cứ xét thưởng cho từng địa phương là tổng các khoản thu phân chia trên địa bàn địa phương, không tính riêng từng khoản thu.
8. Căn cứ vào mức thưởng do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định sử dụng số thưởng vượt thu được hưởng để đầu tư xây dựng các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, thưởng cho ngân sách cấp dưới.
Việc tổ chức điều hành ngân sách nhà nước được quy định tại Nghị định 163/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật