Trách nhiệm của người trực tiếp giám sát người chưa thành niên phạm tội bằng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là gì?

Trách nhiệm của người trực tiếp giám sát người chưa thành niên phạm tội bằng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là gì? Chào các anh chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi đang là sinh viên năm 4 trường Đại học Luật TP.HCM, hiện tôi đang làm đề tài tiểu luận liên quan đến việc quản lý, giáo dục người chưa thành niên phạm tội tại xã, phường, thị trấn. Nhưng những quy định của pháp luật về vấn đề này tôi còn chưa rõ lắm. Vì vậy, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự tư vấn từ Ban biên tập. Trách nhiệm của người trực tiếp giám sát người chưa thành niên phạm tội bằng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là gì? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Khánh Thy (thy_vo***@gmail.com)

Trách nhiệm của người trực tiếp giám sát người chưa thành niên phạm tội bằng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được quy định tại Điều 21 Nghị định 10/2012/NĐ-CP hướng dẫn biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội như sau:

1. Trong thời gian được giao trực tiếp giám sát, giáo dục người được giáo dục, người được phân công giám sát, giáo dục có trách nhiệm:

a) Thường xuyên trực tiếp gặp gỡ người được giáo dục và gia đình họ để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nguyên nhân, hoàn cảnh, động cơ dẫn đến vi phạm pháp luật của người được giáo dục; hướng dẫn người được giáo dục chấp hành pháp luật, thực hiện quyền và nghĩa vụ của người được giáo dục, làm các báo cáo, bản kiểm điểm và cam kết sửa chữa sai phạm;

b) Kiến nghị Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường, cơ quan, tổ chức hữu quan có biện pháp cụ thể quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục học tập, tìm kiếm việc làm, sản xuất, kinh doanh, đăng ký thường trú, tạm trú, cấp Giấy chứng minh nhân dân, cấp phiếu lý lịch tư pháp, tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể tại nơi cư trú, giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống;

c) Phối hợp với Công an cấp xã, dân quân tự vệ, tổ dân phố, thôn, làng, ấp, buôn, bản nơi người được giáo dục cư trú và gia đình người được giáo dục để quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục;

d) Xem xét, giải quyết cho người được giáo dục vắng mặt tại nơi cư trú, báo cáo, đề nghị chuyển nơi cư trú cho người được giáo dục theo quy định tại Điều 10, Điều 11 của Nghị định này;

đ) Định kỳ nhận xét, đánh giá tình hình chấp hành chính sách, pháp luật, quy định của địa phương, thực hiện nghĩa vụ và sự tiến bộ của người được giáo dục;

e) Báo cáo, đề nghị xét chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cho người được giáo dục đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 12 của Nghị định này.

g) Kịp thời phát hiện, thông báo cho Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã hoặc tổ chức xã hội, nhà trường về những biểu hiện, thái độ, hành vi vi phạm pháp luật của người được giáo dục để có biện pháp ngăn ngừa, quản lý, giáo dục phù hợp và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật;

h) Định kỳ hoặc khi có yêu cầu báo cáo với Ủy ban nhân dân cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường về tình hình, kết quả chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội theo quy định.

2. Người được giao trách nhiệm giám sát, giáo dục được tham gia các khóa tập huấn, đào tạo và hưởng chế độ phụ cấp cho những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, được ưu tiên miễn, giảm các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và quy định của địa phương.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trách nhiệm của người trực tiếp giám sát người chưa thành niên phạm tội bằng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 10/2012/NĐ-CP.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Giáo dục

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào