5 ngày nghỉ làm vô lý do trong một tháng sẽ bị đuổi việc
Theo Điều 36 Bộ luật Lao động 2012, các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động bao gồm:
1. Hết hạn hợp đồng lao động.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu theo quy định.
5. Người lao động bị kết án tù giam, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của toà án.
6. Người lao động chết, bị toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại khoản 3 Điều 125 của Bộ luật này.
9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 37 của Bộ luật này.
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật này; người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc do sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
Như vậy, với các quy định trên, việc chấm dứt hợp đồng lao động trước hết nên giải quyết bằng việc thương lượng để thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Trường hợp không thể thương lượng, công ty có thể xem xét đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động hoặc xử lý kỷ luật sa thải nếu hành vi thực tế của nhân viên thuộc các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc sa thải.
Cụ thể, theo điểm a khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động 2012, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
Theo khoản 1 Điều 12 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ Luật Lao động, người sử dụng lao động phải quy định cụ thể tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của doanh nghiệp, làm cơ sở đánh giá người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động (Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ do người sử dụng lao động ban hành sau khi có ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở).
Do đó, đối với những nhân viên thường xuyên nghỉ việc, có khi nghỉ giữa giờ, có ngày không đi làm cũng không báo cáo thì công ty cần đánh giá mức độ hoàn thành công việc của nhân viên đó theo quy chế, tiêu chí đánh giá của công ty để xem xét đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn; ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 3 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 126 Bộ luật Lao động 2012, nếu người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong một năm mà không có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động được áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.
Như vậy, tùy thuộc vào hành vi thường xuyên nghỉ việc của nhân viên, mức độ hoàn thành công việc theo quy định của công ty, đối chiếu với các quy định nêu trên, công ty có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.
Trong trường hợp có căn cứ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc áp dụng hình thức kỷ luật sa thải thì công ty cần thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục luật định và Nội quy của công ty.
Thư Viện Pháp Luật