Cửa hàng đăng ký kinh doanh cần nộp các loại thuế gì?
Do bạn kinh doanh và phải chịu 3 loại thuế là thuế môn bài, thuế gái trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nên mỗi loại thuế này lại có thời hạn nộp khác nhau theo quy định của pháp luật
Đối với thuế môn bài, theo quy định tại Mục II Văn bản hợp nhất 33/VBHN-BTC về nộp thuế môn bài:
1. Thời gian nộp thuế Môn bài:
Cơ sở kinh doanh đang kinh doanh hoặc mới thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế trong thời gian của 6 tháng đầu năm thì nộp mức Môn bài cả năm, nếu thành lập, được cấp đăng ký thuế và mã số thuế trong thời gian 6 tháng cuối năm thì nộp 50% mức thuế Môn bài cả năm. Cơ sở đang sản xuất kinh doanh nộp thuế Môn bài ngay tháng đầu của năm dương lịch; cơ sở mới ra kinh doanh nộp thuế Môn bài ngay trong tháng được cấp đăng ký thuế và cấp mã số thuế.
Cơ sở kinh doanh có thực tế kinh doanh nhưng không kê khai đăng ký thuế, phải nộp mức thuế Môn bài cả năm không phân biệt thời điểm phát hiện là của 6 tháng đầu năm hay 6 tháng cuối năm.
2. Cơ sở kinh doanh đăng ký nộp thuế với cơ quan thuế cấp nào thì nộp thuế Môn bài tại cơ quan thuế cấp đó. Trường hợp cơ sở kinh doanh có nhiều cửa hàng, cửa hiệu trực thuộc nằm ở các điểm khác nhau trong cùng địa phương thì cơ sở kinh doanh nộp thuế Môn bài của bản thân cơ sở, đồng thời nộp thuế Môn bài cho các cửa hàng, cửa hiệu trực thuộc, đóng trên cùng địa phương. Các chi nhánh, cửa hàng, cửa hiệu đóng ở địa phương khác thì nộp thuế Môn bài tại cơ quan thuế nơi có chi nhánh, cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh.
Sau khi nộp thuế Môn bài, cơ sở kinh doanh, cửa hàng, cửa hiệu được Cơ quan thuế cấp một thẻ Môn bài hoặc một chứng từ chứng minh đã nộp thuế Môn bài (biên lai thuế hay giấy nộp tiền vào ngân sách có xác nhận của kho bạc) ghi rõ tên cơ sở kinh doanh, cửa hàng, cửa hiệu, địa chỉ, ngành nghề kinh doanh... làm cơ sở để xuất trình khi các cơ quan chức năng kiểm tra kinh doanh.
Cơ sở kinh doanh không có địa điểm cố định như kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động, hộ xây dựng, vận tải, nghề tự do khác... nộp thuế Môn bài tại cơ quan thuế nơi mình cư trú hoặc nơi mình được cấp ĐKKD.
Đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân thì mức thuế phải nộp sẽ được ấn định theo một tỷ lệ phần trăm nhất định dựa trên doanh thu của bạn, cụ thể theo quy định tại Khoản 3 Điều 6 Thông tư 92/2015/TT-BTC về khai thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán:
- Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước năm tính thuế.
- Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán mới ra kinh doanh hoặc thay đổi ngành nghề, quy mô kinh doanh trong năm thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ mười (10) kể từ ngày bắt đầu kinh doanh hoặc thay đổi ngành nghề, quy mô kinh doanh.
- Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với doanh thu trên hóa đơn chậm nhất là ngày thứ ba mươi (30) của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Còn với việc nộp thuế thì bạn phải tới cơ quan chi cục thuế địa phương để nộp hồ sơ khai thuế, sau khi đã biết được số tiền phải nộp thì bạn trực tiếp tới chi cục thuế nơi bạn nộp hồ sơ khai thế để nộp tiền, khi đã có xác nhận đã nộp thuế thì bạn được coi là hoàn thành nghĩa vụ thuế trong kì tính thuế.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về các loại thuế cần nộp của cửa hàng. Bạn nên tham khảo chi tiết Văn bản hợp nhất 33/VBHN-BTC để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật