Trợ giá của Nhà nước cho xe buýt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được quy định như thế nào?

Bạn đọc Nguyễn Thị Cẩm Nhunh, địa chỉ mail camnhun****@gmail.com hỏi: Trợ giá của Nhà nước cho xe buýt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được quy định như thế nào? Em đang là Sinh viên năm nhất trường ĐH Quốc gia Tp.HCM, em rất thích tham gia giao thông bằng xe buýt. Em đang thực hiện một đề tài nghiên cứu về xe buýt nên rất thắc mắc về vấn đề trên. Mong các anh chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giùm em. Em xin cảm ơn rất nhiều!

Trợ giá của Nhà nước cho xe buýt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được hướng dẫn tại Điều 10 Quy định tổ chức, quản lý, khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được ban hành kèm theo Quyết định 20/2014/QĐ-UBND, theo đó:

1. Cơ chế trợ giá cho tuyến xe buýt phổ thông có trợ giá, hoạt động đưa rước học sinh, sinh viên và công nhân được quy định như sau:

- Phương thức trợ giá theo chuyến xe đối với từng tuyến, từng nhóm loại xe cụ thể.

- Công thức tính: Kinh phí trợ giá = Tổng chi phí chuyến xe - doanh thu đặt hàng hoặc đấu thầu.

Trong đó:

+ Tổng chi phí chuyến xe được tính toán theo quyết định của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành về đơn giá chi phí vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt và xe đưa rước học sinh, sinh viên và công nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Doanh thu đặt hàng hoặc đấu thầu được xây dựng trên cơ sở khối lượng thực hiện thực tế được thống kê của các năm liền kề trước đó, khảo sát thực tế làm cơ sở dự báo mức tăng trưởng khối lượng hành khách vận chuyển và giá vé bình quân của tuyến.

- Đối với hoạt động đưa rước học sinh theo hình thức hợp đồng có đóng góp của phụ huynh, mức trợ giá của Nhà nước được xác định theo từng niên học do Sở Giao thông vận tải xây dựng trình Ủy bannhân dân Thành phố phê duyệt với mức cụ thể đồng/lượt học sinh. Riêng các tuyến xe buýt đưa rước học sinh, sinh viên theo hình thức tuyến áp dụng phương thức trợ giá như các tuyến xe buýt phổ thông thông qua công tác đặt hàng.

- Đối với hoạt động đưa rước công nhân theo hình thức hợp đồng có trợ giá: Mức trợ giá trên chi phí tối đa là 25% đối với các tuyến xe buýt đưa rước công nhân theo hình thức hợp đồng có phần đóng góp của doanh nghiệp và công nhân, có lộ trình thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Đối với các tuyến xe buýt đưa rước công nhân theo hình thức hợp đồng có phần đóng góp của doanh nghiệp và công nhân, có phần lộ trình kết nối với các tỉnh liền kề nhỏ hơn 20% cự ly tuyến, với mức trợ giá trên chi phí tối đa là 15%.

2. Thực hiện cơ chế đấu thầu, hoặc chỉ định thầu và đặt hàng khai thác tuyến xe buýt theo kế hoạch của Sở Giao thông vận tải. Các tuyến xe buýt có trợ giá phải thực hiện đấu thầu khai thác tuyến xe buýt khi mở mới (ngoại trừ các tuyến xe buýt đưa rước học sinh, sinh viên và công nhân theo hình thức hợp đồng có trợ giá). Trường hợp đặc biệt, Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định việc mở mới tuyến xe buýt có trợ giá thông qua hình thức chỉ định khai thác trong thời gian nhất định vì mục đích chính trị, xã hội và an ninh, quốc phòng.

3. Nguồn kinh phí thực hiện trợ giá cho hoạt động xe buýt: Ngân sách nhà nước.

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật  về trợ giá của Nhà nước cho xe buýt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, được quy định tại Quy định tổ chức, quản lý, khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ban hành kèm theo Quyết định 20/2014/QĐ-UBND. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào