Xử lý tài sản đặt cọc khi chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở

Tôi có cho thuê nhà, lúc đầu ký hợp đồng thuê là 2 năm (2 người cùng đại diện ký hợp đồng thuê là bạn với nhau) với số tiền thuê 13 triệu/tháng, nhưng sau khi thuê 2 tháng thì hai người bạn hiểu lầm nhau nên muốn hủy hợp đồng này và không thuê nữa. Một trong hai bên đòi thuê tiếp nhưng với số tiền thuê là 10 triệu/tháng. Như vậy cho tôi hỏi, tiền cọc hợp đồng cũ sẽ tính như thế nào nếu một trong hai người này thuê tiếp? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Điều 358 Bộ luật dân sự 2005 quy định về đặt cọc như sau:

1. Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.

Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.

2. Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Các trường hợp được bên thuê nhà đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà được quy định tại Khoản 2 Điều 498 Bộ luật dân sự như sau:

Bên thuê nhà có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà khi bên cho thuê có một trong các hành vi sau đây:

a) Không sửa chữa nhà khi chất lượng nhà giảm sút nghiêm trọng;

b) Tăng giá thuê nhà bất hợp lý.

c) Quyền sử dụng nhà ở bị hạn chế do lợi ích của người thứ ba.

Theo quy định tại các Điều 131, Điều 132 Luật nhà ở năm 2014 quy định về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở bao gồm các trường hợp:

1. Trường hợp thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà được thực hiện khi có một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 84 của Luật này.

2. Trường hợp thuê nhà ở không thuộc sở hữu nhà nước thì việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Hợp đồng thuê nhà ở hết hạn; trường hợp trong hợp đồng không xác định thời hạn thì hợp đồng chấm dứt sau 90 ngày, kể từ ngày bên cho thuê nhà ở thông báo cho bên thuê nhà ở biết việc chấm dứt hợp đồng;

b) Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng;

c) Nhà ở cho thuê không còn;

d) Bên thuê nhà ở chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà khi chết, mất tích không có ai đang cùng chung sống;

đ) Nhà ở cho thuê bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ hoặc thuộc khu vực đã có quyết định thu hồi đất, giải tỏa nhà ở hoặc có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở cho thuê thuộc diện bị Nhà nước trưng mua, trưng dụng để sử dụng vào các mục đích khác.

Bên cho thuê phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước 30 ngày về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở quy định tại điểm này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

e) Chấm dứt theo quy định tại Điều 132 của Luật này.

Như vậy việc một trong hai người thuê nhà muốn chấm dứt hợp đồng do có hiểu lầm giữa hai người không nằm trong các trường hợp được pháp luật quy định nên sẽ tùy thuộc vào các điều khoản trong hợp đồng và thỏa thuận giữa các bên về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và phạt vi phạm hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền. Hai bên đã giao kết hợp đồng chính thức bạn không nêu rõ là có đề cập khoản tiền đặt cọc này 2 bên thỏa thuận như thế nào? có dùng để thực hiện nghĩa vụ trả tiền, hay khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật sẽ mất số tiền đặt cọc. Và nếu 2 bên thuê và bên cho thuê thỏa thuận chấm dứt thì có thể thỏa thuận về vấn đề tiền cọc. Sau khi đã giải quyết được việc chấm dứt hợp đồng, thanh lý hợp đồng thuê nhà thì bạn có thể lập một hợp đồng thuê nhà mới với người muốn thuê tiếp.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý tài sản đặt cọc khi chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hợp đồng thuê nhà

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào