Tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được quy định như thế nào?
Tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 3 Quy định tổ chức, quản lý, khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được ban hành kèm theo Quyết định 20/2014/QĐ-UBND.
Theo đó, tuyến xe buýt là tuyến vận tải hành khách cố định bằng ô tô, có điểm đầu, điểm cuối và các điểm dừng đón, trả khách theo quy định.
a) Tuyến xe buýt đô thị là tuyến xe buýt có điểm đầu, điểm cuối tuyến trong đô thị;
b) Tuyến xe buýt nội tỉnh là tuyến xe buýt hoạt động trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nối các thành phố, thị xã, huyện, khu công nghiệp, khu du lịch;
c) Tuyến xe buýt liền kề là tuyến xe buýt có lộ trình đi từ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến các tỉnh liền kề, các khu công nghiệp, khu du lịch (điểm đầu, điểm cuối và lộ trình của một tuyến không vượt quá 2 tỉnh, thành phố; nếu điểm đầu hoặc điểm cuối thuộc đô thị loại đặc biệt thì tuyến không vượt quá 3 tỉnh, thành phố).
d) Ngoài các tuyến xe buýt có chế độ chạy xe thông thường nêu tại Điểm a, b, c Khoản này, còn có các tuyến xe buýt có chế độ chạy xe được quy định riêng như sau:
- Tuyến chạy nhanh là tuyến xe chạy suốt từ điểm đầu đến điểm cuối tuyến hoặc chỉ dừng một số điểm dừng, nhà chờ trên tuyến;
- Tuyến xe chạy đêm;
- Tuyến xe đưa rước học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức,... theo hình thức tuyến cố định và hợp đồng;
- Tuyến xe buýt được chạy trên làn đường dành riêng hoặc ưu tiên.
đ) Tuyến xe buýt phổ thông là tuyến xe buýt hoạt động theo chế độ thông thường nêu tại Điểm a và b Khoản này.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, được quy định tại Quy định tổ chức, quản lý, khai thác hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ban hành kèm theo Quyết định 20/2014/QĐ-UBND. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật