Chi phí cho hoạt động quản lý, công vụ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm những khoản chi nào?
Theo quy định hiện hành tại Điểm đ Khoản 1 Điều 6 Thông tư 05/2013/TT-BTC thì chi phí cho hoạt động quản lý, công vụ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm những khoản chi như sau:
- Chi công tác phí.
- Chi trả tiền điện, nước, điện thoại, vật liệu, giấy in, văn phòng phẩm.
- Chi về nghiệp vụ kho quỹ.
- Chi thuê tư vấn, chi thuê chuyên gia trong và ngoài nước.
- Chi kiểm toán.
- Các khoản chi phí hoa hồng đại lý, chi phí uỷ thác phải thể hiện trong các hợp đồng đại lý, uỷ thác có đủ chứng từ hợp lý, hợp lệ.
- Chi trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng quỹ thực hiện theo quy định hiện hành.
- Chi nghiên cứu khoa học và công nghệ: phần chi phí còn thiếu sau khi đã sử dụng hết quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
- Chi đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
- Chi thưởng sáng kiến cải tiến, tăng năng suất lao động, thưởng tiết kiệm chi phí: theo nguyên tắc phù hợp với hiệu quả thực tế đem lại; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng và công bố công khai các quy chế chi thưởng và thành lập Hội động để nghiệm thu sáng kiến.
- Chi phòng cháy chữa cháy.
- Chi cho công tác bảo vệ môi trường.
- Chi cho công tác tuyên truyền, quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hội nghị, lễ tân khánh tiết, giao dịch đối ngoại và các loại chi phí khác theo chế độ quy định và phải có hoá đơn hoặc chứng từ theo quy định của Bộ Tài chính, gắn với kết quả kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Chi phí hoa hồng môi giới: Việc chi hoa hồng môi giới của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải gắn với hiệu quả kinh tế do việc môi giới mang lại. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ văn bản hướng dẫn chi phí hoa hồng môi giới của Bộ Tài chính, điều kiện và đặc điểm cụ thể của mình để xây dựng quy chế chi hoa hồng môi giới áp dụng thống nhất và công khai trong tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc Tổng Giám đốc (Giám đốc) phê duyệt quy chế chi hoa hồng môi giới áp dụng trong đơn vị mình.
Đối tượng được hưởng khoản hoa hồng môi giới là các tổ chức, cá nhân (trong và ngoài nước) có làm dịch vụ môi giới cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hoa hồng môi giới không được áp dụng cho các đối tượng là đại lý của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các khách hàng được chỉ định, các chức danh quản lý, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Việc chi hoa hồng môi giới phải căn cứ vào hợp đồng hoặc giấy xác nhận giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và bên nhận hoa hồng môi giới, trong đó phải có các nội dung cơ bản: tên của bên nhận hoa hồng; nội dung chi; mức chi; phương thức thanh toán; thời gian thực hiện và kết thúc; trách nhiệm của các bên.
Đối với khoản chi môi giới để cho thuê tài sản (bao gồm cả tài sản xiết nợ, gán nợ): mức chi môi giới để cho thuê tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối đa không quá 5% tổng số tiền thu được từ hoạt động cho thuê tài sản do môi giới mang lại trong năm.
Đối với khoản chi môi giới bán tài sản thế chấp, cầm cố: mức chi hoa hồng môi giới bán tài sản thế chấp, cầm cố của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không vượt quá 1% giá trị thực tế thu được từ tiền bán tài sản qua môi giới.
- Chi bảo vệ cơ quan; chi cho công tác quốc phòng, an ninh.
Chi phí cho hoạt động quản lý, công vụ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định tại Thông tư 05/2013/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật