Có hai sổ bảo hiểm thì tiến hành gộp sổ thế nào?
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 46 Quyết định 959/QĐ-BHXH về việc cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội:
Xử lý một số tình huống trong công tác cấp sổ BHXH
5.1. Một người có từ 2 sổ BHXH trở lên ghi thời gian đóng BHXH không trùng nhau thì cơ quan BHXH thu hồi tất cả các sổ BHXH, hoàn chỉnh lại cơ sở dữ liệu, in thời gian đóng, hưởng BHXH, BHTN của các sổ BHXH vào sổ mới. Số sổ BHXH cấp lại là số của sổ BHXH có thời gian tham gia BHXH sớm nhất.
5.2. Một số sổ BHXH được cấp cho 2 hay nhiều người thì cơ quan BHXH giữ lại số sổ BHXH đã cấp cho người có thời gian tham gia BHXH sớm nhất, các sổ BHXH còn lại thực hiện thu hồi và cấp lại theo số sổ mới. Trường hợp người tham gia BHXH sau đã giải quyết chế độ BHXH thì tất cả các sổ còn lại cấp lại theo số sổ BHXH mới.
5.3. Trường hợp người tham gia chỉ mất hoặc hỏng 01 hoặc một số tờ rời: Giám đốc BHXH quyết định việc in lại các tờ rời bị mất hoặc in lại tờ rời từng giai đoạn bị mất và phải đảm bảo đầy đủ thời gian, mức đóng BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BHTN chưa hưởng các chế độ của người lao động.
Có thể thấy, nếu bạn có 2 sổ bảo hiểm xã hội không có thời gian đóng trùng nhau thì bạn có quyền nộp toàn bộ sổ của bạn tới cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan này sẽ có trách nhiệm tổng hợp lại thông tin trong những sổ bảo hiểm xã hội của bạn để cấp cho bạn một sổ bảo hiểm xã hội mới duy nhất. Về thủ tục gộp sổ thì bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 Quyết định 959/QĐ-BHXH:
1.1. Thành phần hồ sơ:
a) Tờ khai cung cấp và thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);
b) Sổ BHXH đã cấp.
1.2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bạn tiến hành nộp tại cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan này sẽ có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý và tiến hành gộp sổ bảo hiểm cho bạn.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc tiến hành gộp sổ bảo hiểm. Bạn nên tham khảo chi tiết Quyết định 959/QĐ-BHXH để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật