Tiếp nhận tố cáo, kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo được quy định như thế nào?
Tiếp nhận tố cáo, kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo được quy định tại Điều 7 Thông tư 06/2013/TT-TTCP quy định quy trình giải quyết tố cáo như sau:
1. Sau khi tiếp nhận tố cáo thuộc thẩm quyền, thì trong thời hạn quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 20 của Luật tố cáo, người giải quyết tố cáo phải tổ chức việc kiểm tra, xác minh về họ tên, địa chỉ của người tố cáo và các nội dung khác theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Luật tố cáo.
Trong trường hợp người tố cáo trực tiếp tố cáo thì người tiếp nhận tố cáo yêu cầu người tố cáo nêu rõ họ tên, địa chỉ, xuất trình giấy tờ tùy thân và lập Biên bản ghi nội dung tố cáo trực tiếp theo Mẫu số 01-TC ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Đối với tố cáo thuộc các trường hợp không thụ lý giải quyết được quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Luật tố cáo và người tố cáo có yêu cầu thì người giải quyết tố cáo thông báo bằng văn bản cho người tố cáo về việc không thụ lý giải quyết tố cáo theo Mẫu số 02-TC ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Đối với tố cáo tiếp thuộc trường hợp không giải quyết lại được quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 27 của Luật tố cáo thì người giải quyết tố cáo thông báo bằng văn bản cho người tố cáo, cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan về việc không thụ lý giải quyết tố cáo tiếp và đề nghị chấm dứt việc tố cáo, việc xem xét, giải quyết tố cáo nếu không có tình tiết mới. Văn bản thông báo thực hiện theo Mẫu số 03-TC ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Đối với tố cáo đủ điều kiện để thụ lý giải quyết thì đơn vị chức năng hoặc người đã kiểm tra, xác minh các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều này lập Phiếu đề xuất để trình người giải quyết tố cáo xem xét, quyết định việc thụ lý giải quyết tố cáo. Phiếu đề xuất thụ lý giải quyết tố cáo thực hiện theo Mẫu số 04-TC ban hành kèm theo Thông tư này.
5. Trong trường hợp cần thiết, trước khi thụ lý giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo tổ chức làm việc trực tiếp với người tố cáo để làm rõ nội dung tố cáo và các vấn đề khác có liên quan.
6. Trong trường hợp nhiều người cùng tố cáo bằng đơn quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ thì việc kiểm tra họ tên, địa chỉ người tố cáo, liên hệ với người tố cáo, gửi thông báo thụ lý tố cáo, thông báo kết quả giải quyết tố cáo được thực hiện đối với người đại điện của người tố cáo.
7. Trong quá trình giải quyết tố cáo, nếu người giải quyết tố cáo, người được giao xác minh nội dung tố cáo cần liên hệ hoặc làm việc trực tiếp với người tố cáo thì phải lựa chọn phương thức liên hệ, bố trí thời gian, địa điểm làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật cho người tố cáo.
Trên đây là quy định về Tiếp nhận tố cáo, kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 06/2013/TT-TTCP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật