Nguyên tắc thực hiện truyền máu tự thân được quy định như thế nào?

Nguyên tắc thực hiện truyền máu tự thân được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập. Tôi hiện đang làm tại trạm y tế xã. Tôi có một thắc mắc không biết pháp luật có quy định hay không? Nguyên tắc thực hiện truyền máu tự thân được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! Hồng Ngọc (ngoc****@gmail.com)

Nguyên tắc thực hiện truyền máu tự thân được quy định tại Điều 53 Thông tư 26/2013/TT- BYT hướng dẫn hoạt động truyền máu như sau:

1. Phải có các quy trình truyền máu tự thân phù hợp với các quy định hiện hành và điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các quy trình chọn lựa, xét nghiệm, lấy, điều chế, bảo quản và truyền máu tự thân phải được lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phê duyệt.

2. Chỉ truyền máu tự thân theo kế hoạch đối với những trường hợp trước phẫu thuật có tiên lượng về nguy cơ mất máu đến mức phải truyền máu và bác sỹ điều trị có trách nhiệm cân nhắc, đánh giá tình trạng sức khoẻ người bệnh cho phép thực hiện lấy máu an toàn.

3. Việc lấy máu theo phương pháp truyền máu tự thân theo kế hoạch và truyền máu tự thân pha loãng máu đẳng tích chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của người bệnh hoặc người đại diện hợp pháp của người bệnh.

4. Ngoài việc tuân thủ các quy định về nhãn túi máu theo quy định tại Điều 21 Thông tư này, nhãn của túi máu tự thân phải được ghi thêm dòng chữ: “Chỉ dùng cho truyền máu tự thân”.

5. Các túi máu tự thân phải được bảo quản riêng biệt với máu lấy từ người hiến máu.

6. Bảo đảm truyền máu, chế phẩm máu cho đúng người bệnh đã được lấy máu. Máu thu nhận với mục đích truyền máu tự thân không được sử dụng cho người bệnh khác.

Trên đây là quy định về Nguyên tắc thực hiện truyền máu tự thân. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 26/2013/TT- BYT.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào