Đòi nợ với giấy tờ viết tay có được không?
Pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc về hình thức của hợp đồng vay tài sản cũng như việc phải công chứng, chứng thực hợp đồng này. Do vậy, giấy viết tay về việc vay và cho vay số tiền 400 triệu đồng giữa anh và người quen cũng được coi là một hợp đồng vay tài sản.
Nếu quá hạn trả mà người vay không trả nợ, anh có quyền khởi kiện người vay ra Tòa án cấp huyện (nơi người vay cư trú) để yêu cầu tòa án giải quyết, buộc người vay phải trả cho anh số tiền đã vay.
Khi khởi kiện, anh phải giao nộp bản chính giấy vay nợ cho tòa án theo quy định tại Điều 95 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015. Tòa án sẽ dùng giấy vay nợ này làm căn cứ để xác định yêu cầu của anh “là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự” theo đúng quy định tại Điều 93 Bộ luật tố tụng Dân sự 2015.
Nếu người vay không thừa nhận chữ viết (hoặc chữ ký) của mình trong giấy vay, họ phải “đưa ra chứng cứ để chứng minh” đó không phải là chữ viết (hoặc chữ ký) của họ hoặc theo yêu cầu của đương sự, tòa án sẽ tiến hành trưng cầu giám định đối với chữ viết (hoặc chữ ký) của các bên trong giấy vay.
Trong trường hợp có đủ căn cứ để xác định đúng chữ viết (hoặc chữ ký) của các bên trong giấy vay, giấy vay nợ có chữ ký của hai bên sẽ được tòa án coi là chứng cứ để xác định nghĩa vụ trả nợ của người vay.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về đòi nợ với giấy viết tay. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật