Lực lượng 141 có quyền hạn như thế nào?
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 27/2010/NĐ-CP quy định về cơ chế phối hợp giữa các lực lượng cảnh sát khác và công an xã với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ:
“1. Các lực lượng cảnh sát khác và công an xã tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ cùng cảnh sát giao thông đường bộ phải thực hiện đúng kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chịu sự kiểm tra, giám sát của Cảnh sát giao thông đường bộ.
Nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cảnh sát giao thông đường bộ xử phạt vi phạm hành chính những hành vi vi phạm thuộc quyền xử phạt của mình theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
2. Các lực lượng cảnh sát khác và công an xã tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng thì phải thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải thường xuyên thông báo cho lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ về việc tuần tra, kiểm soát của mình.
Nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì được xử phạt vi phạm hành chính những hành vi thuộc quyền xử phạt của mình theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết”.
Trên cơ sở những quy định nói trên, căn cứ tình hình thực tế cũng như tính chất đặc thù của địa bàn thủ đô, năm 2011, Công an Hà Nội đã thành lập lực lượng “liên quân” bao gồm: cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động và cảnh sát hình sự (gọi tắt là lực lượng 141) để đấu tranh, trấn áp tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Các tổ công tác của 141 hoạt động theo phương thức cắm chốt tập trung ở một khu vực, hỗ trợ nhau khi cần thiết; sử dụng biện pháp công khai kết hợp hóa trang để phát hiện, kiểm tra, xử lý theo nguyên tắc lực lượng hóa trang tuần tra trên các tuyến phố nếu phát hiện có trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ hoặc đối tượng nghi vấn có dấu hiệu phạm tội thì sử dụng bộ đàm thông báo cho lực lượng công khai triển khai đội hình dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện người tàng trữ vũ khí, dao kiếm, ma túy… hoặc có dấu hiệu phạm tội thì lực lượng làm nhiệm vụ sẽ khống chế, áp giải và đưa phương tiện, tang vật về trụ sở Phòng Cảnh sát Hình sự để phân loại, khai thác, xác minh, lập hồ sơ xử lý.
Tóm lại, lực lượng 141 sẽ thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Ban giám đốc Công an Hà Nội. Tuy nhiên, nhiệm vụ này phải phù hợp với những quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng cảnh sát theo các quy định vừa trích dẫn ở trên và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền hạn của lực lượng 141. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 27/2010/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật