Phương pháp nào dùng để xác định khoản chi phí cụ thể trong tổng mức đầu tư dự án đầu tư công?

Phương pháp nào dùng để xác định khoản chi phí cụ thể trong tổng mức đầu tư dự án đầu tư công? Chào các anh chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi đang tìm hiểu về đầu tư công, vấn đề về xác định các khoản chi phí cụ thể trong tổng mức đầu tư của dự án tôi còn chưa rõ lắm. Nên tôi có một thắc mắc kính mong nhận được sự tư vấn của Ban biên tập. Phương pháp nào dùng để xác định khoản chi phí cụ thể trong tổng mức đầu tư dự án đầu tư công? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Hữu Nghĩa (091***)

Phương pháp xác định một số khoản chi phí cụ thể trong tổng mức đầu tư dự án trong đầu tư công được quy định tại Khoản 4 Điều 47 Nghị định 136/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công như sau:

Phương pháp xác định một số khoản chi phí cụ thể trong tổng mức đầu tư dự án như sau:

a) Chi phí mua sắm tài sản, nhà cửa, đất đai được xác định trên cơ sở diện tích, công suất hoặc năng lực phục vụ theo thiết kế cơ sở và phù hợp với thời gian lập tổng mức đầu tư, địa điểm đầu tư dự án;

b) Chi phí nguyên vật liệu, phụ tùng, chi tiết máy (nếu có) để thực hiện dự án chế tạo thiết bị đồng bộ, đóng tàu,... được tính toán trên cơ sở số lượng, chất lượng theo yêu cầu kỹ thuật và giá cả thị trường;

c) Chi phí thiết bị được xác định trên cơ sở số lượng, loại thiết bị hoặc hệ thống thiết bị theo phương án công nghệ, kỹ thuật và thiết bị được lựa chọn, giá cả thị trường và các chi phí khác có liên quan;

d) Chi phí tiền lương, tiền công căn cứ vào các tiêu chuẩn định mức, tiền lương, tiền công của người lao động theo quy định của pháp luật;

đ) Chi phí khấu hao tài sản, máy móc, thiết bị theo chế độ quy định; trường hợp thuê ngoài căn cứ vào giá thuê tài sản, máy móc, thiết bị theo giá thị trường;

e) Chi phí vận chuyển, bảo hiểm; thuế và các loại phí, chi phí khác có liên quan được tính theo quy định của pháp luật và giá cước vận chuyển;

g) Chi phí tư vấn được xác định theo công việc tư vấn của dự án tương tự đã thực hiện hoặc xác định bằng ước tính theo từng khoản chi cho việc tư vấn theo định mức (nếu có) hoặc giá cả thị trường;

h) Chi phí dự phòng cho công việc có thể phát sinh thêm và trượt giá trong thời gian triển khai thực hiện dự án được xác định bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng mức đầu tư và từng yếu tố chi phí cụ thể quy định tại Khoản 3 Điều này;

i) Chi phí quản lý và chi phí khác được xác định theo quy định của pháp luật và đặc điểm, tổ chức quản lýcủa dự án.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về phương pháp xác định một số khoản chi phí cụ thể trong tổng mức đầu tư dự án trong đầu tư công. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 136/2015/NĐ-CP.

Trân trọng!

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào