Viên chức trong ngành y tế có được mở bệnh viện tư không?
Điều 20 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định những việc cán bộ, công chức không được làm bao gồm: “Ngoài những việc không được làm quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này, cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.”
Quy định này được giải quyết tại Điểm b Khoản 1 Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng 2005 quy định cụ thể: cán bộ, công chức, viên chức không được : “Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”
Như vậy, trong trường hợp này, vợ chồng bạn không được thực hiện các hành vi bao gồm: thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành bệnh viện tư nhân. Tuy nhiên, nếu bệnh viện được tổ chức hoạt động theo mô hình tư nhân thì vợ chồng bạn vẫn có quyền sở hữu những loại cổ phiếu đặc thù như: Cổ phiếu ưu đãi lợi tức, cổ phiếu ưu đãi hoàn lại cổ đông sở hữu hai loại cổ phiếu này không có quyền tham gia hoạt động quản lý, điều hành công ty cổ phần theo quy định tại Điều 116 và Điều 117 Luật Doanh nghiệp 2014.
Đồng thời, như thông tin bạn cung cấp thì vợ chồng bạn công tác tại cơ sở y tế nhà nước- những cơ quan không có thẩm quyền quản lý hành chính về các vấn đề liên quan đến vấn đề y tế nên vợ chồng bạn không thuộc đối tượng chịu sự điều chỉnh tại các Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng 2005:
“2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
3. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hoá, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.
4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.”
Từ những phân tích trên có thể thấy, nếu con trai bạn đủ điều kiện để thành lập, tham gia thành lập doanh nghiệp thì việc đứng tên cổ phần đối với bệnh viện tư nhân như bạn đề cập là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc mở bệnh viện tư của viên chức ngành y tế. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật cán bộ, công chức 2008 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật