Tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn được quy định như thế nào?
Tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn được quy định tại Điều 29 Nghị định 111/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và được sửa đổi bởi Khoản 13 Điều 1 Nghị định 56/2016/NĐ-CP như sau:
1. Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức và người được phân công giúp đỡ có trách nhiệm phối hợp với đơn vị dân cư cơ sở và gia đình trong việc theo dõi, quản lý, giám sát và phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật của người được giáo dục.
2. Việc tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ đối với người được giáo dục là người chưa thành niên được thực hiện như sau:
a) Đối với người được giáo dục là người chưa thành niên đang học tập tại nhà trường, cơ sở giáo dục, người được phân công giúp đỡ và nhà trường cùng có trách nhiệm phối hợp với gia đình người chưa thành niên động viên, giúp đỡ họ học tập, rèn luyện;
b) Người chưa thành niên ở tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em được tạo điều kiện tiếp tục tham gia các chương trình học tập phù hợp với lứa tuổi; các lớp học về kỹ năng sống, các lớp hướng nghiệp, dạy nghề tại cộng đồng.
3. Đối với người được giáo dục là người nghiện ma túy, người được phân công giúp đỡ có trách nhiệm phối hợp với gia đình người nghiện ma túy, tổ công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng, cơ sở điều trị nghiện, đại diện đơn vị dân cư ở cơ sở và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan tạo điều kiện để người nghiện ma túy tham gia các hoạt động điều trị nghiện, cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
4. Trừ trường hợp quy định tại khoản 4a Điều này, trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, nếu người được giáo dục không tiến bộ, vi phạm cam kết và đã được người được phân công giúp đỡ nhắc nhở nhiều lần mà vẫn không chịu sửa chữa, thì tổ chức được giao quản lý, giáo dục báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cuộc họp tại cơ sở để góp ý đối với người được giáo dục. Thành viên, nội dung cuộc họp gồm:
a) Thành viên cuộc họp gồm đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã; Trưởng Công an cấp xã; công chức tư pháp - hộ tịch; người được phân công giúp đỡ và đại diện của cơ quan, tổ chức được giao quản lý, giáo dục; đại diện Mặt trận Tổ quốc cấp xã và đại diện đơn vị dân cư ở cơ sở. Người được giáo dục, gia đình của người được giáo dục phải được mời tham dự cuộc họp. Trường hợp người được giáo dục không thể tham dự được mà có lý do chính đáng thì phải hoãn cuộc họp. Số lần hoãn không quá 02 lần, mỗi lần hoãn không quá 03 ngày làm việc.
Trường hợp người được giáo dục không thể tham dự được cuộc họp góp ý mà có lý do chính đáng, đã hoãn 02 lần hoặc cố tình trốn tránh không tham dự thì vẫn tiếp tục tổ chức cuộc họp góp ý.
Trường hợp người được giáo dục là người nghiện ma túy, ngoài những thành phần nêu trên còn phải có công chức văn hóa - xã hội, đại diện tổ công tác cai nghiện ma túy hoặc cơ sở điều trị nghiện.
b) Nội dung cuộc họp:
Người được phân công giúp đỡ báo cáo về quá trình quản lý, giáo dục và các vi phạm của người được giáo dục trong thời gian quản lý và đề xuất bổ sung, thay đổi biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ phù hợp. Người được giáo dục trình bày nguyên nhân vi phạm cam kết và phương hướng khắc phục, đề xuất giúp đỡ nếu cần thiết. Trên cơ sở báo cáo của người được phân công giúp đỡ và trình bày của người được giáo dục, các thành viên tham gia cuộc họp phân tích, góp ý về những sai phạm của người được giáo dục, giúp đỡ người đó sửa chữa để tiến bộ; thảo luận và đưa ra biện pháp giáo dục đối với đối tượng.
Cuộc họp phải được lập thành biên bản và gửi cho người được giáo dục và gia đình của họ.
5. Người được phân công giúp đỡ ghi sổ theo dõi sự tiến bộ của người được giáo dục để báo cáo tổ chức được giao quản lý, giáo dục.
Định kỳ hàng tháng, tổ chức được giao quản lý, giáo dục có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ban hành quyết định về kết quả giám sát, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục.
Ngoài ra, Khoản 14 Điều 1 Nghị định 56/2016/NĐ-CP đã bổ sung thêm khoản 4a vào sau khoản 4 Điều 29 Nghị định 111/2013/NĐ-CP như sau::
4a. Trường hợp người được giáo dục sau khi đã chấp hành ít nhất 1/2 thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà không tiến bộ, tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì bị xem xét, xử lý theo quy định tại Điều 35a của Nghị định này
Trên đây là quy định về Tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, giáo dục, giúp đỡ người được giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 111/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật