Tại phiên tòa sơ thẩm một trong hai bên lại phát sinh yêu cầu giải quyết về tài sản. Tòa án giải quyết thế nào?
Trong vụ án hôn nhân và gia đình, Tòa án giải quyết ba mối quan hệ là quan hệ hôn nhân, con cái và tài sản. Tùy theo yêu cầu khởi kiện của đương sự, có thể Tòa án chỉ giải quyết một, hai mối quan hệ này hoặc phải giải quyết cả ba mối quan hệ. Về nguyên tắc thì Tòa án không được giải quyết vượt quá yêu cầu của đương sự hay không được giải quyết các mối quan hệ mà đương sự không yêu cầu, ngược lại khi đương sự có yêu cầu mà yêu cầu đó thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Tòa án phải giải quyết.
Trường hợp nêu trên, tuy cả nguyên đơn và bị đơn chỉ yêu cầu giải quyết về quan hệ hôn nhân và con chung nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, một trong hai bên lại có yêu cầu giải quyết về tài sản (tức là đương sự đã bổ sung yêu cầu khởi kiện mà yêu cầu này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án) do đó Tòa án phải hoãn phiên tòa để giải quyết yêu cầu này theo thủ tục chung (kê khai tài sản, định giá tài sản, hòa giải về tài sản…) và đó cũng là căn cứ để Tòa án giải quyết trong cùng một vụ án ly hôn. Nếu Tòa án tách quan hệ tài sản để giải quyết thành một vụ án khác vì lý do trong giai đoạn chuẩn bị xét xử các đương sự không có yêu cầu giải quyết là bỏ sót yêu cầu của đương sự và gây thêm phức tạp cho việc giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân, đồng thời Tòa án lại phải thụ lý, giải quyết thêm một vụ án về tranh chấp tài sản sau ly hôn.
Thư Viện Pháp Luật