Thủ tục rút hồ sơ gốc khi mua xe không liên lạc được với chủ cũ
Hiện nay, thủ tục rút hồ sơ gốc đối với trường hợp xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người được giải quyết theo hướng dẫn tại Điều 24 Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/2014 của Bộ công an quy định về đăng ký xe. Cụ thể như sau:
– Trường hợp hồ sơ sang tên, di chuyển xe có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng thì trong thời hạn hai ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký xe phải giải quyết thủ tục sang tên, di chuyển xe cho người sử dụng xe.
– Trường hợp hồ sơ sang tên, di chuyển xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe theo quy định thì viết giấy hẹn và thực hiện các thủ tục sang tên, di chuyển xe cho người sử dụng xe. Giấy hẹn có giá trị được sử dụng xe trong thời gian 30 ngày chờ cơ quan đăng ký xe giải quyết thủ tục sang tên, di chuyển xe.
Cơ quan đăng ký xe gửi thông báo đến người đứng tên trong đăng ký xe và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đăng ký xe, tra cứu tàng thư xe mất cắp và dữ liệu đăng ký xe. Sau 30 ngày, kể từ ngày gửi thông báo và niêm yết công khai, cơ quan đăng ký xe giải quyết sang tên, di chuyển xe theo quy định, ghi kết quả xác minh và ký xác nhận vào giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe.
– Trả cho người đang sử dụng xe: 01 phiếu sang tên di chuyển và 01 giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này) kèm theo hồ sơ gốc của xe để làm thủ tục đăng ký xe ở nơi chuyển đến.
– Lưu 01 phiếu sang tên, di chuyển và 01 giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe, thông báo, niêm yết và kết quả xác minh.
Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội hướng dẫn cụ thể việc cấp giấy hẹn quy định tại Điểm a và Điểm b khoản này.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thủ tục rút hồ sơ gốc khi mua xe không liên lạc được với chủ cũ. Bạn nên tham khảo chi tiết Thông tư 15/2014/TT-BCA để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật