Nghỉ việc dưỡng thai theo chỉ định có được hưởng chế độ thai sản không?
Tại Điều 8 Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ có quy định về quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai như sau:
+ Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động, kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
+ Thời hạn báo trước để đơn phương chấm dứt, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
+ Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Khoản 3 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau: “Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con”.
Căn cứ vào quy định này thì lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con mới được hưởng chế độ thai sản.
Tại Khoản 1 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ khi sinh con như sau: Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Ngoài ra căn cứ vào Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội 2014 còn được hưởng trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con.
Như vậy, trong thời gian bạn mang thai có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì bạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Bạn đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con mới được hưởng chế độ thai sản. Chế độ thai sản bao gồm: Hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng và trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng bạn sinh con.
Điều 101 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về hồ sơ hưởng chế độ thai sản như sau:
Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con bao gồm:
+ Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con;
+ Sổ bảo hiểm xã hội (trường hợp đã nghỉ việc).
Nộp hồ sơ tới cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi bạn đang cư trú (đối với trường hợp nghỉ việc). Nếu bạn chưa nghỉ việc thì bạn gửi bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con cho công ty để công ty làm thủ tục cho bạn.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về nghỉ dưỡng thai theo chỉ định. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 85/2015/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật