Có phạm lỗi nếu nháy đèn pha khiến người đi ngược chiều bị ngã?
Theo Điều 17 Luật Giao thông đường bộ 2008, việc tránh xe đi ngược chiều được quy định như sau:
1. Trên đường không phân chia thành hai chiều xe chạy riêng biệt, hai xe đi ngược chiều tránh nhau, người điều khiển phải giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều xe chạy của mình.
2. Các trường hợp nhường đường khi tránh nhau quy định như sau:
a) Nơi đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh xe thì xe nào ở gần chỗ tránh hơn phải vào vị trí tránh, nhường đường cho xe kia đi;
b) Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc;
c) Xe nào có chướng ngại vật phía trước phải nhường đường cho xe không có chướng ngại vật đi trước.
3. Xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.
Theo trình bày, khi gặp xe máy đi ngược chiều, bạn đã không tuân thủ quy định nêu trên mà còn “nháy pha” (dùng đèn chiếu xa) là vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ về tránh xe đi ngược chiều. Chưa kể nếu sử dụng đèn chiếu xa trong khu đô thị, khu đông dân cư (không phụ thuộc có xe ngược chiều hay không) thì cũng vi phạm Luật Giao thông đường bộ.
Điểm g khoản 3 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt 600.000-800.000 đồng với tài xế ôtô “sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều”.
Hơn nữa, có thể do bạn nháy pha, người điều khiển xe máy đi ngược chiều lóa mắt, luống cuống và bị ngã. Trong trường hợp này, bạn có dấu hiệu vi phạm Luật Giao thông đường bộ và có lỗi (cố ý hoặc vô ý).
Ngoài ra, cũng cần xem xét lỗi của người điều khiển xe máy đi ngược chiều, bởi họ cũng phải tuân thủ quy định về tránh xe đi ngược chiều, theo Điều 17.
Như vậy, trong trường hợp này, có thể cả hai bên cùng có lỗi.
Đối với thiệt hại xảy ra, theo Điều 617 Bộ luật Dân sự 2005, khi người bị thiệt hại cũng có lỗi thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần tương ứng với mức độ lỗi của mình. Nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.
Thư Viện Pháp Luật