Chồng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng giải quyết như thế nào?
Khoản 1 Điều 7 Luật thi hành án dân sự sửa đổi 2014 quy định về quyền của người được thi hành án như sau:
+Yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án;
+ Được thông báo về thi hành án;
+ Thỏa thuận với người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án;
+ Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án;
+ Tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án;
+ Không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Chấp hành viên thực hiện;
+ Yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ;
+ Ủy quyền cho người khác thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;
+ Chuyển giao quyền được thi hành án cho người khác;
- Được miễn, giảm phí thi hành án trong trường hợp cung cấp thông tin chính xác về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và trường hợp khác theo quy định của Chính phủ;
+ Khiếu nại, tố cáo về thi hành án.
- Khoản 2 Điều 7a được bổ sung vào sau Điều này bởi Khoản 5 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 quy định về nghĩa vụ của người phải thi hành án như sau:
+ Thi hành đầy đủ, kịp thời bản án, quyết định;
+ Kê khai trung thực tài sản, điều kiện thi hành án; cung cấp đầy đủ tài liệu, giấy tờ có liên quan đến tài sản của mình khi có yêu cầu của người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai đó;
+ Thực hiện các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú;
+ Chịu chi phí thi hành án.
- Trường hơp không chấp hành án còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 304 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội không chấp hành án như sau: “Người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
- Về xử phạt hành chính: Tại Điều 54 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn.
- Đồng thời tại Điều 152 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà cố ý từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm
- Tại khoản 1 Điều 30 Luật thi hành án 2008 quy định về thời hiệu thi hành án như sau:
“Trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án.
Trường hợp thời hạn thực hiện nghĩa vụ được ấn định trong bản án, quyết định thì thời hạn 05 năm được tính từ ngày nghĩa vụ đến hạn.
Đối với bản án, quyết định thi hành theo định kỳ thì thời hạn 05 năm được áp dụng cho từng định kỳ, kể từ ngày nghĩa vụ đến hạn”.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn vẫn đang còn thời hiệu yêu cầu thi hành án, thời hiệu thi hành án ở đây 5 năm thì bạn sẽ tiến hành làm đơn yêu cầu thi hành án gửi tới cơ quan thi hành án để cơ quan thi hành án tiến hành thủ tục thi hành án.
Trong trường hợp hành vi không cấp dưỡng hàng tháng cho con của bạn mà tới mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, dựa trên căn cứ nêu trên thì bạn có thể làm đơn trình báo đến cơ quan Công an.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý khi chồng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật thi hành án dân sự sửa đổi 2014 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật