Hình thức đấu thầu thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được quy định như thế nào?
Hình thức đấu thầu thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích được quy định tại Điều 12 Nghị định 130/2013/NĐ-CP về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích như sau:
Các hình thức đấu thầu bao gồm:
1. Đấu thầu rộng rãi
Việc lựa chọn nhà thầu thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích phải áp dụng đấu thầu rộng rãi, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này và Chương III, Chương IV Nghị định này. Khi áp dụng đấu thầu rộng rãi, không hạn chế số lượng nhà thầu tham dự. Bên mời thầu phải cung cấp hồ sơ mời thầu cho các nhà thầu có nhu cầu tham gia đấu thầu. Trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
2. Đấu thầu hạn chế
Đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp sản phẩm, dịch vụ công ích có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu có khả năng đáp ứng yêu cầu. Khi thực hiện đấu thầu hạn chế, phải mời tối thiểu năm nhà thầu được xác định là có đủ năng lực và kinh nghiệm tham gia đấu thầu; trường hợp thực tế có ít hơn năm nhà thầu, bên mời thầu phải trình người có thẩm quyền xem xét, quyết định cho phép tiếp tục tổ chức đấu thầu hạn chế hoặc áp dụng hình thức lựa chọn khác.
Trên đây là quy định về Hình thức đấu thầu thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 130/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật