Thành lập hội kế toán để kiếm việc làm thêm thì có vi phạm gì không?
Điều 2 Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội như sau:
1. Hội được quy định trong Nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
2. Hội có các tên gọi khác nhau: hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là hội).
3. Phạm vi hoạt động của hội (theo lãnh thổ) gồm:
a) Hội có phạm vi hoạt động cả nước hoặc liên tỉnh;
b) Hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh);
c) Hội có phạm vi hoạt động trong huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện);
d) Hội có phạm vi hoạt động trong xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã).
Tổ chức, hoạt động của hội được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
1. Tự nguyện; tự quản;
2. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch;
3. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động;
4. Không vì mục đích lợi nhuận;
5. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ hội."
Như vậy, bạn và những người bạn của bạn cùng nghề nghiệp là kế toán có quyền được thành lập hội, trên cở sở không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả. Nguyên tắc hoạt động của hội là không vì mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên như bạn nêu trong câu hỏi mục đích lập nhóm của bạn là "mục đích kiếm việc làm thêm ngoài giờ", có thể được coi là thành lập hội vì mục đích lợi nhuận tức trái với quy định của pháp luật.
Theo đó, nếu mục đích của bạn là vì mục đích lợi nhuận, bạn cùng các bạn của bạn phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cá thể để hành nghề kế toán theo quy định của Điều 41 Nghị định 129/2004/NĐ-CP như sau:
1. Doanh nghiệp dịch vụ kế toán được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật với một trong ba hình thức: Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Để thành lập doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có ít nhất hai người có chứng chỉ hành nghề kế toán, trong đó có một trong những người quản lý doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải có chứng chỉ hành nghề kế toán theo quy định tại Điều 57 Luật Kế toán và Điều 40 của Nghị định này.
2. Việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải tuân theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và theo quy định của Nghị định này.
3. Doanh nghiệp dịch vụ kế toán được đăng ký kinh doanh dịch vụ kế toán theo quy định tại Điều 43 của Nghị định này.
4. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp dịch vụ kế toán phải đảm bảo có ít nhất một người quản lý doanh nghiệp có chứng chỉ hành nghề kế toán quy định tại Điều 57 của Luật Kế toán và Điều 40 của Nghị định này.
Vậy theo quy định nêu trên, bạn có hai sự lựa chọn để đăng ký dịch vụ kế toán là:
- Thành lập doanh nghiệp có đăng ký ngành kinh doanh dịch vụ kế toán (bạn lựa chọn loại hình doanh nghiệp và thủ tục tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP) với điều kiện có hai người có chứng chỉ hành nghề kế toán, trong đó giám đốc có chứng chỉ đã hành nghề 2 năm trở lên;
- Thành lập hộ kinh doanh có đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ kế toán: (thủ tục thành lập hộ kinh doanh được quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP) với điều kiện người đứng tên thành lập hộ kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề kế toán.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thành lập hội kế toán để kiếm việc làm thêm. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 78/2015/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật