Quy định chung đối với tiêu phản quang trong giao thông đường bộ
Quy định chung đối với tiêu phản quang trong giao thông đường bộ được quy định tại Điểm 61.1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ, theo đó:
- Tiêu phản quang là thiết bị dẫn hướng được gắn các công cụ phản quang để dẫn hướng xe chạy vào ban đêm hoặc trong điều kiện sương mù, điều kiện hạn chế tầm nhìn. Tiêu phản quang được bố trí tại các nơi mà tuyến đường có thể gây ngộ nhận hoặc lúng túng về hướng đường.
- Tiêu phản quang phải gắn công cụ phản quang cho phép nhìn rõ vào buổi tối dưới ánh đèn pha ôtô đạt tiêu chuẩn trong điều kiện thời tiết bình thường ở cự ly 300m.
- Công cụ phản quang có thể là các tấm nhựa phản quang, các khối kim loại gắn phản quang, màng phản quang dán trên các miếng kim loại v.v... Công cụ phản quang có thể có dạng hình tròn, hình chữ nhật, hình tam giác hoặc hình đa giác được gắn lên các lan can phòng hộ, tường bảo vệ hoặc gắn xuống mặt đường. Công cụ phản quang cũng bao gồm các vật liệu phản quang dạng dải quấn quanh các cọc tiêu phản quang.
- Tiêu phản quang màu vàng được sử dụng ở các dải phân cách giữa. Tiêu phản quang màu đỏ được sử dụng cho hướng ngược chiều của đường một chiều (để cảnh báo người lái đi nhầm đường) và sử dụng cho các đường lánh nạn.
- Tiêu phản quang bao gồm: tiêu phản quang bố trí bên đường hoặc trên dải phân cách, tiêu phản quang dạng mũi tên và đinh phản quang (còn gọi là cóc phản quang) bố trí trên mặt đường.
Trên đây là quy định về tiêu phản quang trong giao thông đường bộ. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật