Nguyên tắc xử lý tài sản, tài chính, công nợ và lao động khi giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sau khi bán, giao và chuyển giao
Nguyên tắc xử lý tài sản, tài chính, công nợ và lao động khi giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sau khi bán, giao và chuyển giao được quy định tại Điều 22 Nghị định 128/2014/NĐ-CP về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước như sau:
1. Ban Đổi mới tại doanh nghiệp tiến hành kiểm kê, xác định số lượng và thực trạng toàn bộ tài sản; các khoản đầu tư dài hạn, ngắn hạn; tài sản thuê, mượn, giữ hộ, bán hộ, ký gửi, chiếm dụng, cho thuê, cho mượn; đối chiếu và phân loại các loại công nợ; lập danh sách chủ nợ và số nợ phải trả, danh sách người mắc nợ và số nợ phải thu, trong đó phân định rõ nợ có khả năng thu hồi và nợ không có khả năng thu hồi; tiến hành phân loại tài sản, xử lý tài sản và các khoản nợ; báo cáo quyết toán thuế tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
2. Nguyên tắc xử lý tài sản:
a) Đối với tài sản mang đi góp vốn liên doanh hoặc nhận góp vốn liên doanh; tài sản thuê ngoài, thuê tài chính; tài sản mượn, giữ hộ và các tài sản khác không phải của doanh nghiệp thì các bên giao doanh nghiệp, nhận giao doanh nghiệp và chủ sở hữu tài sản thỏa thuận việc kế thừa và ký lại hợp đồng mới hoặc thanh lý hợp đồng;
b) Đối với tài sản chiếm dụng, doanh nghiệp xác định chủ sở hữu để hoàn trả hoặc ký hợp đồng thuê mượn lại tài sản. Trường hợp không xác định được chủ sở hữu, doanh nghiệp hạch toán tăng vốn nhà nước tương ứng với giá trị thực tế của tài sản;
c) Đối với tài sản thuộc công trình phúc lợi, tài sản dùng trong sản xuất kinh doanh được đầu tư bằng nguồn Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi của doanh nghiệp và số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi thì được chuyển giao cho doanh nghiệp mới quản lý, sử dụng để phục vụ tập thể người lao động trong doanh nghiệp;
d) Đối với tài sản dùng trong sản xuất, kinh doanh được đầu tư bằng nguồn Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi của doanh nghiệp thì giao cho doanh nghiệp tiếp tục sử dụng trong sản xuất, kinh doanh;
đ) Số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi được chia cho người lao động đang làm việc theo số năm thực tế làm việc tại doanh nghiệp trước khi giao doanh nghiệp.
3. Nguyên tắc xử lý các khoản nợ:
a) Đối với các khoản nợ thuế, các khoản phải nộp ngân sách nhà nước khác; khoản vay Ngân hàng Thương mại nhà nước mà doanh nghiệp đã huy động các nguồn vốn để trả nợ nhưng không đủ thì được xử lý theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
b) Đối với khoản nợ bảo hiểm xã hội thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp và của người lao động mà doanh nghiệp đã thu, khoản nợ lương và các khoản nợ khác của người lao động thì trước khi giao doanh nghiệp được trừ vào giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp để thanh toán. Trường hợp không còn vốn nhà nước thì được hỗ trợ thanh toán từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại công ty mẹ đối với công ty thành viên theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
c) Người nhận giao doanh nghiệp có trách nhiệm kế thừa các khoản nợ phải thu, phải trả của doanh nghiệp sau khi được xử lý. Trường hợp các chủ nợ không đồng ý cho người nhận giao doanh nghiệp kế thừa thì việc xử lý các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
4. Giá trị tài sản còn lại, sau khi thanh toán các chi phí cần thiết cho việc giao doanh nghiệp, được chuyển giao toàn bộ cho tập thể người lao động trong doanh nghiệp sở hữu.
5. Trường hợp Chủ tịch công ty, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, Kiểm soát viên doanh nghiệp không tham gia nhận giao doanh nghiệp thì được cơ quan có thẩm quyền quyết định giao doanh nghiệp xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công việc hoặc giải quyết theo chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ.
Trên đây là quy định về Nguyên tắc xử lý tài sản, tài chính, công nợ và lao động khi giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sau khi bán, giao và chuyển giao. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 128/2014/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật