Không có giấy tờ của chồng có ly hôn được không?

Tôi tên M sinh 1980 còn chồng tôi sinh năm 1954. Chúng tôi đã kết hôn vào tháng 9 năm 2014 và làm thủ tục kết hôn tại UBND phường Kim Long, Huế. Kết hôn không lâu vợ chồng tôi vào Đà Nẵng làm ăn sinh sống, được 3 tháng thì xảy ra xung đột và mâu thuẩn dẫn đến việc không thể dung hòa được mối quan hệ vợ chồng nên chúng tôi đã ly thân sau đó. Do vội vàng trong công việc làm ăn ở Đà Nẵng nên mọi bản chính giấy tờ kết hôn chồng tôi cất giữ nên trong quá trình ly thân đến vấn đề về thủ tục ly hôn tôi đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Vì sau hơn một năm không thể liên lạc được với chồng để giải quyết thủ tục ly hôn. Tháng 9 / 2015 tôi đã gửi đơn yêu cầu đơn phương ly hôn đến TAND Tỉnh Thừa Thiên Huế nhờ giúp đỡ nhưng bị từ chối vì không đầy đủ thủ tục về sổ hộ khẩu, CMND và bản gốc giấy đăng ký kết hôn và lý do tôi không liên lạc được với chồng thì Tòa cũng không có cách nào để liên lạc. Ba lần bốn lượt ra rồi lại về tay không vì chẳng biết phải nhờ sự giúp đỡ từ đâu và từ ai vì ngay cả Tòa cũng không thể giúp được người dân. Mà đến cả cửa nhà chồng cũng không dám bước vào vì từng bị uy hiếp. Tôi không cha không mẹ lại phận nữ lạc loài có chồng lại không được hạnh phúc, hơn một năm qua cuộc sống vất vả bởi cảnh ở nhà thuê chồng lại không màng sống chết ra sao. Nay tôi mong nhờ sự tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật phải thế nào tôi mới có thể hoàn tất thủ tục? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Theo Điều 35 và Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền giải quyết ly hôn thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện. 

Khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 ghi nhận: 

"Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ

1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;

c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết."

Vậy, nơi mà bạn phải nộp hồ sơ để yêu cầu giải quyết việc ly hôn của mình là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi chồng bạn đang cư trú hoặc làm việc.

Đối với việc giấy tờ bạn thiếu để hoàn thành hồ sơ để yêu cầu tòa án thụ lý thì bao gồm: Đăng ký kết hôn bản chính, bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu và bản sao có chứng thực chứng minh nhân dân của chồng bạn. 

Đối với bản sao giấy đăng ký kết hôn và sổ hộ khẩu thì bạn có thể đến Ủy ban nhân dân xã nơi đăng ký kết hôn, quản lý hộ khẩu để xin trích lục bản sao.

Đối với bản sao chứng minh nhân dân thì bạn cũng có thể xin bản sao tại ủy ban nhân dân xã hoặc cơ quan công an nơi chồng bạn cư trú.

Nếu trường hợp không thể xin được bản sao thì bạn chỉ có thể trình bày để tòa án giúp đỡ tạo Điều kiện.

Khoản 2 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: "Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác."

Vợ chồng bạn có thể thỏa thuận không sống chung với nhau nhưng việc khi bạn về nhà mà bị chồng dọa đánh đuổi đi là chồng bạn đã vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng.  Điều 5 Luật này quy định về việc bảo vệ chế độ hôn nhân gia đình thì hành vi bạo lực gia đình là hành vi bị cấm. Nếu bạn bị chồng bạn đánh đập đuổi đi thì bạn có thể báo với chính quyền nhờ giúp đỡ. Đó cũng là căn cứ để yêu cầu ly hôn theo Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Đó cũng là căn cứ xác định lỗi trong vụ án ly hôn.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc ly hôn khi không có giấy tờ của chồng. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào