Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua đất chung

Hai nhà mua chung 1 lô đất và chia đôi lô đất bằng giấy tay, sau đó 2 năm nhà kia mua chuộc địa chính huyện xuống đo để lấn sang đất nhà tôi và cấp sổ đỏ không đúng với diện tích mua chung. Hiện nay nhà bên kia xây áp mông vào tường nhà tôi nên tôi muốn hỏi rằng khi giải quyết tranh chấp Tòa sẽ giải quyết theo giấy tờ mua chung ban đầu bằng giấy tay hay giải quyết theo sổ đỏ đã cấp không đúng đó. Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Theo quy định tại Điều 697 Bộ luật dân sự 2005 về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

"Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất chuyển giao đất và quyền sử dụng đất cho bên nhận chuyển nhượng, còn bên nhận chuyển nhượng trả tiền cho bên chuyển nhượng theo quy định của Bộ luật này và pháp luật về đất đai."

Đồng thời theo quy định tại Điều 167 Luật đất đai 2013:

"1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.

2. Nhóm người sử dụng đất mà có chung quyền sử dụng đất thì có các quyền và nghĩa vụ như sau:

a) Nhóm người sử dụng đất gồm hộ gia đình, cá nhân thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của Luật này.

Trường hợp trong nhóm người sử dụng đất có thành viên là tổ chức kinh tế thì có quyền và nghĩa vụ như quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế theo quy định của Luật này;

b) Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này.

Trường hợp quyền sử dụng đất của nhóm người sử dụng đất không phân chia được theo phần thì ủy quyền cho người đại diện để thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhóm người sử dụng đất.

3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:

a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;

b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;

c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;"

Có thể thấy, nếu giữa bạn và người mua chung mảnh đất xảy ra việc tranh chấp thì trước tiên sẽ phải căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng đất khi 2 bạn mua chung, người mua chung và người chuyển nhượng đất cho bạn kí kết. Nếu trong hợp đồng có quy định rõ khi mua thì phần đất chung sẽ được chia theo tỷ lệ nào thì sẽ chia theo tỷ lệ đó, còn nếu không có sẽ tùy vào thỏa thuận sau đó của các bên hoặc vào số tiền mà cả hai người góp vào để mua chung mảnh đất này. Việc Ủy ban nhân dân cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua chung với bạn thì vẫn chưa thể làm căn cứ chứng minh được người đó có toàn quyền sử dụng diện tích đất đó mà nếu có tranh chấp hoặc cấp sai thì vẫn sẽ phải điều chỉnh hoặc thu hồi.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng mua đất chung. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật đất đai 2013 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào