Vị trí và độ cao khi tiến hành đặt đèn tín hiệu giao thông đường bộ được quy định thế nào?
Vị trí và độ cao khi tiến hành đặt đèn tín hiệu giao thông đường bộ được quy định tại Điều 13 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ, theo đó:
- Mặt đèn phải vuông góc với chiều đi, ở bên phải người tham gia giao thông theo hướng đi.
- Theo chiều ngang đường: đèn đặt trên lề đường hoặc giải phân cách và cách mép phần đường xe chạy từ 0,5 m đến 2 m.
- Theo chiều đứng:
+ Khi hộp đèn bố trí theo chiều thẳng đứng trên cột đặt bên đường: chiều cao từ mặt đèn dưới cùng đến mặt đường hoặc vỉa hè trong phạm vi từ 2 m đến 3 m đối với hộp đèn ba màu và từ 2 m đến 2,5 m đối với hộp đèn hai màu áp dụng cho người đi bộ;
+ Khi hộp đèn được đặt theo chiều ngang trên các cột cần vươn thì chiều cao tối thiểu là 5,2 m tính từ điểm thấp nhất của đèn đến mặt đường hoặc mặt vỉa hè;
+ Đèn phải được bố trí sao cho người tham gia giao thông nhìn thấy được từ xa đủ để giảm tốc độ và dừng xe được an toàn;
+ Đèn phải đặt trên cột cần vươn ở phía xa, tốt nhất là treo giữa nút trong các nút giao rộng hoặc khi có bố trí đèn phụ hình mũi tên cho hướng rẽ trái. Phía giao thông đang tới (phía gần) phải bố trí thêm đèn “đúp” ngay trước vạch dừng xe.
+ Ở trong khu đông dân cư, khu đô thị có đường phố chật hẹp, đèn có thể bố trí trên thân cột thẳng đứng đặt bên đường về phía tay phải của chiều đường theo quy định tại điểm 13.3.1 khoản 13.3 Điều này ngay trước vạch dừng xe.
- Độ lớn (kích thước) và độ sáng của bóng đèn tín hiệu phải được thiết kế phù hợp với điều kiện khai thác đặc biệt phải nhìn thấy được trong điều kiện người tham gia giao thông bị ngược ánh sáng mặt trời.
Trên đây là quy định về vị trí và độ cao khi tiến hành đặt đèn tín hiệu giao thông đường bộ. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật