Văn bản ủy quyền cử hoặc cho phép cán bộ, công chức đi nước ngoài được quy định như thế nào?
Văn bản ủy quyền cử hoặc cho phép cán bộ, công chức đi nước ngoài được hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư 03/2016/TT-BNG hướng dẫn việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và cấp công hàm đề nghị cấp thị thực do Bộ Ngoại giao ban hành, theo đó:
1. Việc ủy quyền cho đơn vị trực thuộc trong việc cử hoặc cho phép cán bộ, công chức, viên chức quản lý đi nước ngoài theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 Nghị định 136, được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 9 Điều 1 Nghị định 94, phải được lập thành văn bản theo mẫu 05/2016/XNC ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Văn bản ủy quyền phải do người đứng đầu hoặc cấp phó người đứng đầu các Ban trực thuộc Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tổ chức sự nghiệp công lập do Chính phủ thành lập, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký trực tiếp và đóng dấu của cơ quan. Khi người ủy quyền đã thôi hoặc hết nhiệm kỳ công tác thì người kế nhiệm cần có văn bản ủy quyền mới.
3. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Nghị định 136, được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 9 Điều 1 Nghị định 94, ban hành quy chế quản lý việc ra nước ngoài của cán bộ, công chức, viên chức có quy định về việc ủy quyền hoặc giao trách nhiệm cho cơ quan, đơn vị trực thuộc được cử hoặc cho phép cán bộ, công chức, viên chức quản lý ra nước ngoài thì không cần ra văn bản ủy quyền theo mẫu 05/2016/XNC. Cơ quan, đơn vị trực thuộc được ủy quyền hoặc được giao trách nhiệm gửi văn bản giới thiệu chữ ký cho Cơ quan cấp hộ chiếu ở trong nước theo quy định tại Điều 6 Thông tư này.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về văn bản ủy quyền cử hoặc cho phép cán bộ, công chức đi nước ngoài, được quy định tại Thông tư 03/2016/TT-BNG. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật