Văn bản cử hoặc cho phép cán bộ, công chức ra nước ngoài được quy định như thế nào?
Văn bản cử hoặc cho phép cán bộ, công chức ra nước ngoài được hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư 03/2016/TT-BNG hướng dẫn việc cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và cấp công hàm đề nghị cấp thị thực do Bộ Ngoại giao ban hành, theo đó:
1. Văn bản cử hoặc cho phép cán bộ, công chức, viên chức quản lý, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp đi nước ngoài (sau đây gọi là văn bản cử đi nước ngoài) phải có đầy đủ nội dung theo mẫu 03/2016/XNC ban hành kèm theo Thông tư này. Văn bản này phải được người có thẩm quyền hoặc được ủy quyền ký trực tiếp, đóng dấu của cơ quan và phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều này cũng như các quy định khác của pháp luật về thể thức văn bản.
2. Văn bản cử đi nước ngoài có từ hai trang trở lên phải đánh số thứ tự và đóng dấu giáp lai giữa các trang. Đối với văn bản có hai trang trong một tờ thì trang đầu cần được đóng dấu treo hoặc đóng dấu giáp lai. Trường hợp sửa đổi, bổ sung thì phải được người có thẩm quyền ký trực tiếp và đóng dấu của cơ quan vào chỗ sửa đổi, bổ sung đó. Trường hợp sửa đổi, bổ sung từ hai nội dung trở lên thì phải ban hành văn bản mới.
3. Đối với thành viên chính thức, tùy tùng các đoàn của Tổng Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ thì văn bản cử đi nước ngoài là công văn thông báo danh sách đoàn của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ.
4. Đối với người thuộc diện quản lý của Ban Chấp hành Trung ương Đảng thì văn bản cử đi nước ngoài là công văn của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội hoặc Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến đồng ý cho đi nước ngoài của cấp có thẩm quyền. Đối với cán bộ, công chức thuộc các phân ban Việt Nam trong Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam và nước ngoài thì sử dụng quyết định cử đi công tác nước ngoài của cơ quan trực tiếp quản lý phân ban. Đối với người có nhiều cơ quan đồng cấp quản lý, khi đi công tác thực hiện nhiệm vụ thuộc chức năng của cơ quan nào thì lấy quyết định cử đi công tác của cơ quan đó.
5. Đối với vợ, chồng đi theo hành trình công tác thì sử dụng văn bản cử đi nước ngoài của những người thuộc diện quy định từ Khoản 1 đến Khoản 8 Điều 6 Nghị định 136 được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 3 Điều 1 Nghị định 94, trong đó ghi rõ người này được mang vợ, chồng đi theo hành trình công tác. Trong trường hợp văn bản cử đi nước ngoài của những người nêu trên không ghi rõ được mang vợ, chồng đi theo hành trình công tác thì ngoài văn bản cử đi nước ngoài đó cần nộp kèm theo ý kiến bằng văn bản của cơ quan, tổ chức nơi người được cử đi công tác nước ngoài đang công tác, làm việc xác nhận việc đi theo của người vợ/chồng của người đó.
6. Đối với vợ, chồng và con dưới 18 tuổi đi theo phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài thì sử dụng văn bản cử đi nước ngoài của phóng viên đó, trong đó ghi rõ người này được mang vợ, chồng con dưới 18 tuổi đi theo, kèm theo ý kiến bằng văn bản của Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Ngoại giao.
Trường hợp vợ, chồng, con dưới 18 tuổi đi thăm phóng viên thông tấn và báo chí nhà nước của Việt Nam thường trú ở nước ngoài thì sử dụng văn bản đồng ý của cơ quan thông tấn, báo chí nhà nước trực tiếp quản lý phóng viên, kèm theo ý kiến bằng văn bản của Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Ngoại giao.
7. Đối với vợ, chồng và con dưới 18 tuổi đi thăm, đi theo thành viên Cơ quan đại diện thì văn bản cử đi nước ngoài là quyết định của Bộ Ngoại giao hoặc văn bản đồng ý của Vụ Tổ chức Cán bộ Bộ Ngoại giao.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về văn bản cử hoặc cho phép cán bộ, công chức ra nước ngoài, được quy định tại Thông tư 03/2016/TT-BNG. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật