Bố có án tích con có được thi vào học viện chính trị quân sự không?
Về điều kiện để được đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng trong ngành quân đội, bạn có thể tham khảo quy định tại Điều 68 Thông tư 17/2016/TT-BQP hướng dẫn tuyển sinh vào các trường quân đội về Tiêu chuẩn tuyển sinh quy định cụ thể như sau:
1. Tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành quân sự cơ sở hệ chính quy
a) Tuổi đời: Không quá 31 tuổi (tính đến năm tuyển sinh);
b) Sức khỏe: Đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 36/2011/TTLT-BYT-BQP Riêng tiêu chuẩn về thể lực chung và răng được lấy đến loại 4;
c) Trình độ văn hóa: Đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên;
d) Chính trị, phẩm chất đạo đức: Là đảng viên hoặc có đủ Điều kiện phát triển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Có phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng, bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;
đ) Được cấp ủy, chính quyền cấp xã xác định là nguồn cán bộ quân sự cơ sở trong quy hoạch của địa phương; thông qua quy trình xét tuyển, trúng tuyển được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cử đi đào tạo và bố trí sử dụng sau đào tạo.
2. Tuyển sinh đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học hình thức vừa làm, vừa học
a) Tuổi đời: Trung cấp chuyên nghiệp lên trình độ cao đẳng ngành quân sự cơ sở từ trên 22 tuổi đến 45 tuổi; cao đẳng ngành quân sự cơ sở lên đại học ngành quân sự cơ sở từ trên 24 tuổi đến 45 tuổi;
b) Sức khỏe: Có đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này;
c) Học viên tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng ngành quân sự cơ sở đạt loại khá trở lên được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp; tốt nghiệp loại trung bình phải có ít nhất 1 năm công tác tại cơ sở mới được tham gia dự tuyển;
d) Có phẩm chất đạo đức tốt; lý lịch rõ ràng; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;
đ) Được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định trong quy hoạch nguồn cán bộ quân sự Ban Chỉ huy quân sự cấp xã; thông qua quy trình xét tuyển, trúng tuyển được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cử đi đào tạo và bố trí sử dụng sau đào tạo.
3. Tuyển sinh cử tuyển đào tạo đại học
a) Độ tuổi: Không quá 31 tuổi tính đến năm tuyển sinh;
b) Sức khỏe: Có đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này; việc khám sức khỏe cho thí sinh cử tuyển đại học thực hiện theo quy định Khoản 7, Điều 62 Thông tư này;
c) Chính trị, phẩm chất đạo đức: Là đảng viên hoặc có đủ Điều kiện phát triển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Có phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch rõ ràng, bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;
d) Thí sinh phải có hộ khẩu thường trú từ 5 năm liên tục trở lên tính đến năm tuyển sinh tại vùng có Điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo quy định của Chính phủ và Ủy ban Dân tộc) và có thời gian 3 năm học trung học phổ thông tại trường đóng tại địa phương đó (học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, học sinh các lớp tạo nguồn tính theo hộ khẩu trường trú);
đ) Được cấp ủy, chính quyền cấp xã quy hoạch là nguồn cán bộ quân sự cơ sở của địa phương; thông qua quy trình xét tuyển theo quy định tại Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, đã được sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Nghị định số 49/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ; được Chủ tịch Ủy bannhân dân cấp tỉnh quyết định cử đi đào tạo và bố trí sử dụng sau đào tạo.
Từ những quy định như trên xác định, tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức cũng như lý lịch gia đình và bản thân khi thi tuyển vào các ngành quân đội không được quy định rõ ràng, cụ thể như thế nào. Các quy định cụ thể nằm trong các văn bản lưu hành nội bộ, không công khai, thuộc cơ chế ngành, quy định trong công tác Đảng.
Đối với việc bố từng đi tù và đã được xóa án tích, căn cứ vào Điều 63 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về xóa án tích:
"Người bị kết án được xoá án tích theo quy định tại các điều từ Điều 64 đến Điều 67 của Bộ luật này.
Người được xoá án tích coi như chưa bị kết án và được Toà án cấp giấy chứng nhận."
Như vậy, bố đã được xóa án tích được coi là chưa bị kết án, sẽ không ảnh hưởng đến lý lịch của con. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý trong quá trình tiến hành thẩm tra thông tin lý lịch sẽ phải tuân thủ theo quy chế riêng của ngành.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc thi vào học viện chính trị quân sự khi bố có án tích. Bạn nên tham khảo chi tiết Thông tư 17/2016/TT-BQP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật