Công an có được giữ chứng minh nhân dân của người dân không?
Hành vi "tống tiền" được xác định là tội phạm theo quy định của Điều 135 Bộ luật hình sự 1999 (Tội cưỡng đoạt tài sản): "Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm." Như vậy, cơ quan điều tra có quyền khởi tố hình sự với đồng nghiệp của bạn về hành vi này nếu có đủ căn cứ, còn với trường hợp của bạn cơ quan điều tra có quyền tiếp tục tiến hành điều tra xác minh để đưa ra kết luận.
Đối với việc Công an tạm giữ chứng minh nhân dân của bạn: Khoản 2 Điều 10 Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân quy định về tạm giữ Chứng minh nhân dân như sau:
Chứng minh nhân dân của công dân bị tạm giữ trong các trường hợp sau:
a) Có hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật phải bị tạm giữ Chứng minh nhân dân;
b) Bị tạm giam, thi hành án phạt tù tại trại giam; chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.
Công dân được nhận lại Chứng minh nhân dân khi chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính; hết thời hạn tạm giam, chấp hành xong án phạt tù; chấp hành xong quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.
Ngoài ra, Điểm b Khoản 2 Mục III Thông tư 04/1999/TT-BCA/C13 hướng dẫn Nghị định 05/1999/NĐ-CP có quy định như sau:
Công dân bị tạm giữ CMND trong các trường hợp: có hành vi vi phạm hành chính phải tạm giữ CMND để ngăn chặn và bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 41 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính: có quyết định tạm giam, quyết định thi hành án phạt tù tại trại giam, quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, cơ quan thi hành lệnh tạm giam, thi hành án phạt tù, thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc Công an cấp huyện, cấp tỉnh phải tạm giữ CMND của những người này, việc tạm giữ CMND phải ghi vào biên bản lưu chung hồ sơ thực hiện lệnh hoặc các quyết định đó.
Công dân được trả lại CMND khi chấp hành xong các biện pháp xử lý nói trên: người có thẩm quyền, cơ quan tạm giữ CMND trả lại CMND cho họ sử dụng, khi trao trả CMND phải lập biên bản cụ thể
Theo đó, công an có quyền được tạm giữ chứng minh nhân dân của công dân khi có các căn cứ đã được trích dẫn nói trên. Trong trường hợp của bạn, mặc dù như bạn cung cấp thông tin, bạn không biết hay không được hưởng lợi ích gì từ khoản tiền bất chính kia nhưng thực tế vụ việc phải qua quá trình xác minh của cơ quan điều tra mới có được kết quả để kết luận bạn có hay không liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên đây không phải là một trong các căn cứ đã được trích dẫn để Công an có quyền tạm giữ chứng minh nhân dân của bạn. Bạn có quyền yêu cầu Cơ quan công an trả lại chứng minh nhân dân hoặc đưa ra các căn cứ rõ ràng hơn phù hợp với quy định của pháp luật để tạm giữ chứng minh nhân dân của bạn.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc công an giữ chứng minh nhân dân của người dân. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 05/1999/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật