Nguyên tắc trả chi phí thực hiện tương trợ tư pháp được quy định như thế nào?

Tôi tên là Hồng Quyên, địa chỉ mail hong_quyen****@gmail.com, tôi muốn hỏi: Nguyên tắc trả chi phí thực hiện tương trợ tư pháp được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Tôi có một người bạn hiện đang làm công tác tương trợ tư pháp. Vì một số lý do liên quan tới công việc nên tôi cũng có tìm hiểu các quy định về nội dung này. Mong Ban biên tập Thư Ký Luật trả lời giúp tôi. Tôi xin cảm ơn và sớm nhận được câu trả lời!

Nguyên tắc trả chi phí thực hiện tương trợ tư pháp được hướng dẫn tại Điều 2 Nghị định 92/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Tương trợ tư pháp, theo đó:

1. Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam và nước ngoài do nước yêu cầu chi trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thuật ngữ “thỏa thuận khác” theo quy định tại khoản 1 Điều 16, Điều 31, Điều 48 và Điều 60 của Luật Tương trợ tư pháp là điều ước quốc tế theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế theo quy định của Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.

2. Trường hợp Việt Nam và nước ngoài chưa có thỏa thuận quy định tại khoản 1 Điều này thì việc chi trả chi phí thực hiện tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

3. Cá nhân, tổ chức Việt Nam yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự làm phát sinh yêu cầu ủy thác tư pháp ra nước ngoài (sau đây gọi là người yêu cầu) phải trả chi phí thực hiện ủy thác tư pháp về dân sự, trừ cá nhân được hỗ trợ phí theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này.

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật  về nguyên tắc trả chi phí thực hiện tương trợ tư pháp, được quy định tại Nghị định 92/2008/NĐ-CP. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào