Định cư ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam thường trú được không?

Em đã định cư tại Mỹ được 4 năm (em chưa có quốc tịch). Giờ em có ý định quay về Việt Nam định cư nhưng em vẫn muốn được qua lại Mỹ để thăm gia đình. Trường hợp em thì phải làm giấy tờ như thế nào ạ? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Trong trường hợp bạn vẫn còn quốc tịch Việt Nam thì bạn được coi là người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Như vậy bạn vẫn sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi và phải thực hiện các nghĩa vụ của một công Việt Nam. Bạn vẫn có quyền trở về Việt Nam định cư theo quy định của pháp luật Việt Nam về cư trú.

Đầu tiên bạn phải đăng ký thường trú và xin cấp sộ hộ khẩu tại cơ quan công an có thẩm quyền ở nơi bạn muốn định cư theo thủ tục quy định tại các Điều 21, Điều 24 Luật Cư trú 2006 như sau:

Thủ tục đăng ký thường trú

1. Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú tại cơ quan công an sau đây:

a) Đối với thành phố trực thuộc trung ương thì nộp hồ sơ tại Công an huyện, quận, thị xã;

 b) Đối với tỉnh thì nộp hồ sơ tại Công an xã, thị trấn thuộc huyện, Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

2. Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:

a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;

b) Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật này;

c) Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật này.

3. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải cấp sổ hộ khẩu cho người đã nộp hồ sơ đăng ký thường trú; trường hợp không cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Sổ hộ khẩu

1. Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân.

2. Sổ hộ khẩu bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại.

3. Bộ Công an phát hành mẫu sổ hộ khẩu và hướng dẫn việc cấp, cấp lại, đổi, sử dụng, quản lý sổ hộ khẩu thống nhất trong toàn quốc.

Và bạn có thể đi Mỹ thăm người thân nếu bạn đáp ứng được các quy định tại Nghị định 136/2007/NĐ-CP về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Cụ thể là bạn phải tiến hành làm hộ chiếu với các thủ tục được quy định tại Điều 15 Nghị định 136/2007/NĐ-CP. Thủ tục như sau:

1. Công dân Việt Nam ở trong nước đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh theo một trong các cách sau đây:

a) Trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú hoặc nơi đang tạm trú.

b) Gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú và đề nghị được nhận kết quả qua đường bưu điện. Việc gửi hồ sơ và nhận kết quả qua đường bưu điện thực hiện theo thủ tục do Bộ Công an và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam quy định.

c) Ủy thác cho cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú. Việc ủy thác thực hiện theo quy định của Bộ Công an.

2. Trường hợp cấp thiết cần hộ chiếu gấp (do Bộ Công an quy định) người đề nghị có thể nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an.

3. Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu gồm có:

a) Đối với trường hợp trực tiếp nộp hồ sơ, nêu tại các điểm a và c khoản 1 Điều này:

- Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu quy định.

Đối với trẻ em dưới 14 tuổi thì cha, mẹ hoặc người đỡ đầu của trẻ em đó khai và ký vào tờ khai; nếu cha hoặc mẹ có nhu cầu cho con dưới 14 tuổi đi cùng hộ chiếu thì khai chung vào tờ khai của mình.

- Bản sao giấy khai sinh của trẻ em dưới 14 tuổi.

Khi nộp hồ sơ phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân của người đề nghị cấp hộ chiếu còn giá trị để đối chiếu.

b) Đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện, nêu tại điểm b khoản 1 Điều này:

- Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông theo mẫu quy định, có xác nhận của Trưởng Công an phường, xã nơi đăng ký thường trú.

- Bản chụp giấy chứng minh nhân dân còn giá trị.

4. Khi nộp hồ sơ, người đề nghị cấp hộ chiếu phải nộp lệ phí hộ chiếu  theo quy định của Bộ Tài chính. Trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện thì nộp lệ phí cùng với hồ sơ và thanh toán cước phí chuyển, phát cho Bưu điện.

5. Thời hạn giải quyết hồ sơ và trả kết quả:

a) Đối với các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều này, cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh trả kết quả trong thời hạn không quá 8 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.

b) Đối với trường hợp nêu tại khoản 2 Điều này, cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh trả kết quả trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.

6. Trưởng Công an phường, xã nơi công dân thường trú phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận trong tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu của công dân.

7. Cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân được người đề nghị cấp hộ chiếu ủy thác nộp hồ sơ và nhận kết quả phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đối chiếu chính xác giữa người đề nghị cấp hộ chiếu, giấy chứng minh nhân dân và tờ khai của họ.

Nếu bạn đáp ứng đủ các điều kiện để được cấp hộ chiếu và các điều kiện để xuất cảnh khỏi Việt Nam thì bạn có thể sang Mỹ gặp gia đình bình thường.

Trong trường hợp bạn đã mất quốc tịch Việt Nam thì trước hết bạn phải làm thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam được quy định từ Điều 19 đến Điều 22 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 và sau đó tiến hành các thủ tục đã nói ở trên để được định cư ở Việt Nam.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về người cư trú ở nước ngoài về Việt Nam thường trú. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Nơi cư trú của công dân

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào