Yêu cầu về mức độ nghiên cứu và khoanh nối khối tính trữ lượng cát, sỏi lòng sông và đất, đá làm vật liệu san lấp được quy định như thế nào?
Yêu cầu về mức độ nghiên cứu và khoanh nối khối tính trữ lượng cát, sỏi lòng sông và đất, đá làm vật liệu san lấp được hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư 01/2016/TT-BTNMT quy định kỹ thuật về công tác thăm dò cát, sỏi lòng sông và đất, đá làm vật liệu san lấp do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, theo đó:
1. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu địa chất
a) Xác định được ranh giới, hình dạng của các thân khoáng; bề mặt địa hình;
b) Mỏ đất, đá làm vật liệu san lấp phải xác định tính chất cơ lý, chỉ tiêu về đất xây dựng.
2. Yêu cầu về khoanh nối ranh giới tính trữ lượng
Khối tính trữ lượng được khoanh định dựa vào công trình thăm dò, các điểm lộ được đo vẽ, mô tả địa chất. Ranh giới khối tính trữ lượng cấp 122 có thể ngoại suy, nhưng phần ngoại suy không quá 200m theo đường phương hoặc chiều dài phân bố thân khoáng và không quá 100m theo hướng cắm hoặc bề rộng thân khoáng. Đồng thời phần ngoại suy phải có kết quả đo vẽ địa chất đã khẳng định được đặc điểm địa chất khoáng sản tương tự với vị trí có công trình khống chế.
3. Yêu cầu về mức độ nghiên cứu khả thi
a) Chỉ tiêu tính trữ lượng được áp dụng theo các tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật hoặc theo chỉ tiêu (hàm lượng, thành phần vật chất của khoáng vật...) ở khu mỏ có điều kiện địa chất, khai thác tương tự đã được phê duyệt;
b) Đã sơ bộ lựa chọn được giải pháp kỹ thuật khai thác và hướng sử dụng phù hợp.
4. Yêu cầu về mức độ hiệu quả kinh tế
Trên cơ sở so sánh với các mỏ đang khai thác có điều kiện tương tự, chứng minh được việc khai thác có hiệu quả kinh tế tại thời điểm đánh giá trữ lượng.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về yêu cầu về mức độ nghiên cứu và khoanh nối khối tính trữ lượng cát, sỏi lòng sông và đất, đá làm vật liệu san lấp, được quy định tại Thông tư 01/2016/TT-BTNMT. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật