Trích lập dự phòng nghiệp vụ của Doanh nghiệp đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết chung được quy định như thế nào?

Trích lập dự phòng nghiệp vụ của Doanh nghiệp đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết chung được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật, tôi có vấn đề muốn hỏi như sau: Tôi tên là Hoàng Anh Duy, SĐT: 098***. Tôi làm bên bán hàng, sản phẩm về bảo hiểm. Thời gian này vì lý do công việc nên tôi có biết về sản phẩm bảo hiểm liên kết chung. Tôi muốn hỏi: Trích lập dự phòng nghiệp vụ của Doanh nghiệp đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết chung được quy định như thế nào? Và văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Tôi xin cảm ơn và mong sớm nhận được câu trả lời!

Trích lập dự phòng nghiệp vụ của Doanh nghiệp đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết chung được hướng dẫn tại Điều 16 Thông tư 52/2016/TT-BTC hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết chung do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, theo đó:

1. Doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập dự phòng nghiệp vụ như sau:

a) Dự phòng rủi ro bảo hiểm: là số lớn hơn giữa mức dự phòng tính theo phương pháp phí chưa được hưởng hoặc dự phòng tính theo phương pháp dòng tiền để đáp ứng được tất cả các Khoản chi phí trong tương lai trong suốt thời hạn của hợp đồng.

Trong đó, dự phòng tính theo phương pháp phí chưa được hưởng bằng 100% phí bảo hiểm rủi ro thu được của hợp đồng bảo hiểm liên kết chung.

b) Dự phòng bồi thường: được trích theo phương pháp từng hồ sơ với mức trích lập được tính trên cơ sở thống kê số tiền bảo hiểm phải trả cho từng hồ sơ đã yêu cầu đòi bồi thường doanh nghiệp bảo hiểm nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết.

c) Dự phòng nghiệp vụ đối với phần liên kết chung được thực hiện theo phương pháp sau:

- Giá trị hoàn lại của hợp đồng bảo hiểm liên kết chung, hoặc:

- Giá trị tài Khoản của hợp đồng bảo hiểm liên kết chung.

Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm đánh giá và lựa chọn phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ đối với phần liên kết chung để bảo đảm các trách nhiệm đã cam kết theo hợp đồng bảo hiểm.

Doanh nghiệp bảo hiểm không được thay đổi phương pháp và cơ sở trích lập dự phòng nghiệp vụ trong năm tài chính. Trường hợp thay đổi phương pháp và cơ sở trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm cho năm tài chính kế tiếp, doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm cho kết quả dự phòng nghiệp vụ cao hơn và được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản trước khi áp dụng theo quy định tại Thông tư số 125/2012/TT-BTC ngày 30/7/2012, Thông tư số 194/2014/TT-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản nêu trên.

d) Dự phòng bảo đảm khả năng thanh toán bổ sung (resilience reserve): Dự phòng này dùng để bảo đảm cam kết của doanh nghiệp đối với khách hàng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm khi thị trường đầu tư có biến động lớn.

2. Chuyên gia tính toán của doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm xác định phương pháp, cơ sở và số liệu dự phòng nghiệp vụ để luôn đảm bảo các cam kết đối với bên mua bảo hiểm theo các nguyên tắc và phương pháp tính toán được thừa nhận rộng rãi theo thông lệ quốc tế.

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật  về trích lập dự phòng nghiệp vụ của Doanh nghiệp đối với sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, được quy định tại Thông tư 52/2016/TT-BTC. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng! 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào