Bồi thường thiệt hại trong va chạm giao thông thế nào?
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 được xác định như sau:
1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.
Dấu hiệu xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại:
Trong trường hợp này của bạn, bạn phải xác định thông qua kết luận điều tra cơ quan công an về vấn đề lỗi của các bên để xác định mức độ thiệt hại. Nếu xác định bên bạn có lỗi gây thiệt hại về sức khỏe thì bên bạn phải bồi thường ở mức theo Điều 609 Bộ luật dân sự 2005 như sau:
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
+ Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Nếu có lỗi của cả bên bị thiệt hại thì bên bạn chịu trách nhiệm bồi thường tương đương theo Điều 617 Bộ luật dân sự 2005:
Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.
Đối với vấn đề xử lý phương tiện vi phạm hành chính thì theo khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định thời hạn tạm giữ phương tiện hành chính như sau:
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Nếu xe của bạn chỉ vi phạm hành chính mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì phương tiện vi phạm sẽ bị tạm từ ít nhất là 7 ngày, và có thể gia hạn tối đa không quá 30 ngày.
Còn trường hợp việc xảy ra tai nạn trên đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì xe của bạn sẽ bị tạm giữ và xử lý dưới hình thức vật chứng trong vụ án hình sự. Theo Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 thì:
1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Toà án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Việc thi hành các quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;
b) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;
c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;
d) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;
đ) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.
3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 có quyền quyết định trả lại những vật chứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.
4. Trong trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về bồi thường thiệt hại trong va chạm giao thông. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật dân sự 2005 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật