Bồi thường hợp đồng dịch vụ viễn thông
Theo quy định của Luật thương mại năm 2005 thì hợp đồng về sử dụng dịch vụ internet của FPT với bên bạn sẽ thuộc sự điều chỉnh của Luật thương mại.
Tại Điều 312 Luật thương mại 2005 quy định về trường hợp hủy bỏ hợp đồng như sau:
1. Huỷ bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng.
2. Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ hoàn toàn việc thực hiện tất cả các nghĩa vụ hợp đồng đối với toàn bộ hợp đồng.
3. Hủy bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ hợp đồng, các phần còn lại trong hợp đồng vẫn còn hiệu lực.
4. Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau đây
a) Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng;
b) Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Căn cứ vào quy định này thì huỷ bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ hợp đồng và hủy bỏ một phần hợp đồng.
Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật thương mại năm 2005, chế tài hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau:
+ Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng;
+ Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng.
Như vậy, xét trường hợp của bạn thì trong quá trình nâng cấp cơ sở hạ tầng FPT có những thay đổi về giá cước, thông tin gói dịch vụ mà không thông báo cho bạn. Bạn có nêu trong điều khoản trong hợp đồng có ghi rõ: “Bên FPT phải thông báo cho tôi biết trước 5 ngày kể từ ngày áp dụng khi có những thay đổi (nếu có) về giá cước, phí thu cước, thông tin gói dịch vụ”. Nhưng FPT đã không thông báo và tự nâng gói dịch vụ của bạn từ 16Mb lên 20Md mà bạn không có yêu cầu nâng cấp là vi phạm với nội dung thỏa thuận trong hợp đồng. Trong trường hợp này bạn có quyền hủy bỏ hợp đồng trước thời gian cam kết 2 tháng.
Tại Điều 314 Luật thương mại năm 2005 quy định về hậu quả pháp lý của việc huỷ bỏ hợp đồng như sau:
+ Trừ trường hợp quy định tại Điều 313 của Luật thương mại năm 2005, sau khi huỷ bỏ hợp đồng, hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp.
+ Các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả bằng tiền.
+ Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Căn cứ vào quy định này thì bên FPT vi phạm hợp đồng thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bạn. Bên bạn chấm dứt hợp đồng đúng với quy định của pháp luật thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về bồi thường hợp đồng dịch vụ viễn thông. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật thương mại 2005 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật