Quyền và trách nhiệm của đơn vị, cá nhân thuộc Ngân hàng Nhà nước về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được quy định như thế nào?
Quyền và trách nhiệm của đơn vị, cá nhân thuộc Ngân hàng Nhà nước về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư 48/2014/TT-NHNN quy định việc phát ngôn và cung cấp thông tin của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo đó:
1. Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thống đốc về các thông tin do mình phát ngôn và cung cấp cho báo chí quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Thông tư này.
2. Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn có quyền yêu cầu các đơn vị, cá nhân liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước cung cấp thông tin, tập hợp thông tin để phát ngôn, cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 Thông tư này.
3. Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn có quyền từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên trong các trường hợp sau:
a) Những vấn đề thuộc bí mật nhà nước; những vấn đề bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng; những vấn đề không thuộc quyền hạn công bố;
b) Các vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử, trừ trường hợp các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan điều tra có yêu cầu cần thông tin trên báo chí những vấn đề có lợi cho hoạt động điều tra và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm;
c) Các vụ việc đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước đang trong quá trình giải quyết, chưa có kết luận chính thức của người có thẩm quyền mà theo quy định không được công bố thông tin cho báo chí;
d) Những văn bản chính sách, đề án đang trong quá trình soạn thảo mà theo quy định của pháp luật chưa được cấp có thẩm quyền cho phép phổ biến.
4. Văn phòng có trách nhiệm:
a) Làm đầu mối theo dõi việc thực hiện quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Ngân hàng Nhà nước;
b) Công bố họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ e-mail của Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn theo quy định của pháp luật;
c) Làm đầu mối tổ chức các cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước, hội nghị giao ban báo chí ngành Ngân hàng theo chỉ đạo của Thống đốc; đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung, trình Thống đốc hoặc Người phát ngôn phê duyệt để cung cấp cho báo chí tại cuộc họp báo của Chính phủ, cuộc giao ban hàng tuần do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội nhà báo Việt Nam tổ chức;
d) Thu thập thông tin từ báo chí và các nguồn thông tin khác liên quan đến tiền tệ và ngân hàng, trình Thống đốc hoặc Người phát ngôn xử lý;
đ) Làm đầu mối tổng hợp, trình Thống đốc hoặc Người phát ngôn xử lý việc các phương tiện thông tin tuyên truyền đăng tải thông tin nhạy cảm, chưa chính xác, sai sự thật về tiền tệ và ngân hàng;
e) Phối hợp với Thủ trưởng đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước giúp Người phát ngôn, Người được ủy quyền phát ngôn thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại Thông tư này.
5. Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan theo quy định tại Thông tư này và chỉ đạo của Thống đốc để phục vụ việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
6. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thuộc thẩm quyền trên địa bàn. Trường hợp phát sinh những vấn đề vượt thẩm quyền, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kịp thời báo cáo Thống đốc (qua Văn phòng) để xử lý.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền và trách nhiệm của đơn vị, cá nhân thuộc Ngân hàng Nhà nước về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, được quy định tại Thông tư 48/2014/TT-NHNN. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật