Mẹ mang sổ đỏ của mình đi thế chấp đòi lại thế nào?

Chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Hùng Lâm, có vấn đề thắc mắc cần Ban biên tập tư vấn. Hiện nay tôi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do tôi đứng tên. Nhưng mẹ tôi đem thế chấp cho người khác (tôi không hề biết) tôi phải làm sao để lấy lại giấy tờ đó? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 thì: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.” Giữa mẹ bạn và người nhận thế chấp đã xác lập một giao dịch dân sự. Việc mẹ bạn thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người kia được coi là một biện pháp đảm bảo nghĩa vụ dân sự. Theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Dân sự 2015 thì:

“1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp.

Trong trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp.

Trong trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Tài sản thế chấp cũng có thể là tài sản được hình thành trong tương lai.

2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

3. Việc thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 715 đến Điều 721 của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Như vậy, theo quy định trên để được coi là thế chấp tài sản thì bên thế chấp phải dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng trong trường hợp này, mẹ bạn không phải là người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó vì thế giao dịch bảo đảm giữa mẹ bạn và người khia không phát sinh hiệu lực. Đối với giao dịch bảo đảm không phát sinh hiệu lực thì quyền và nghĩa vụ của các bên trong giao dịch bảo đảm đó sẽ không phát sinh. 

Để lấy lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên thì bạn có thể yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có bất động sản để đòi lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình theo quy định tại Điều 36, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về đòi lại sổ đỏ mẹ mang đi thế chấp. Bạn nên tham khảo chi tiết Bộ luật Dân sự 2015 để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Sổ đỏ

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào