Trường hợp nào cảnh sát giao thông được trực tiếp thu tiền?
Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong các trường hợp xử phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân và 500.000 đồng đối với tổ chức.
Tại Khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong các trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân và 500.000 đồng đối với tổ chức. Theo đó, người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt hành chính tại chỗ, tổ chức hoặc cá nhân vi phạm nộp phạt tại chỗ. Người xử phạt phải xé biên lai (do Bộ Tài chính in) trao cho tổ chức hoặc cá nhân vi phạm.
Cụ thể, việc xử phạt tại chỗ chỉ áp dụng đối với những vi phạm đã rõ, không phải xác minh, khung hình phạt được quy định tại Nghị định 46/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Thẩm quyền của CSGT làm nhiệm vụ trên đường được ra quyết định xử phạt tại chỗ không quá 250.000 đồng mà không phải lập biên bản. Ví dụ, đối với người điều khiển xe mô tô vi phạm hành vi như: Không đội MBH, không chấp hành vạch kẻ đường, biển báo hiệu… bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Đối với ô tô, những hành vi như: Không chấp hành vạch kẻ đường, không chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu… phạt từ 100.000- 200.000 đồng.
Các lỗi nêu trên người vi phạm có đầy đủ giấy tờ theo quy định sẽ được xử phạt tại chỗ. Trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm không có tiền hoặc không đủ tiền nộp phạt tại chỗ thì phải ghi rõ vào mặt sau của quyết định xử phạt là: “Vì tôi chưa có đủ tiền nộp phạt”, CSGT làm nhiệm vụ trên đường phải giữ lại các loại giấy tờ như: GPLX, đăng ký xe, sổ kiểm định lưu hành phương tiện hoặc bảo hiểm xe. Khoản tiền CSGT thu trực tiếp được nộp vào Kho bạc Nhà nước theo quy định.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trường hợp cảnh sát giao thông được trực tiếp thu tiền. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật