Đi sai làn vì tránh chướng ngại vật có bị xử phạt không?
Theo Điều 13 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, đối với các phương tiện lưu thông trên đường một chiều, sẽ có vạch kẻ sơn phân chia ra nhiều làn đường như: Làn đường dành cho ô tô con, ô tô tải, xe mô tô và làn dành cho xe thô sơ (tùy theo đường đó có cấm xe mô tô hoặc xe thô sơ hay không). Trong tình huống bạn hỏi, khi đó bạn đang lưu thông trên đường, gặp chướng ngại vật (phơi thóc), bạn phải cho xe rẽ trái sang làn đường liền kề để lưu thông cho đảm bảo an toàn. Đó là việc bất khả kháng, và khi CSGT dừng xe kiểm tra, bạn hãy bình tĩnh để trình bày, giải thích, để lực lượng CSGT biết được trên đường đang có những chướng ngại vật như vậy. Trên cơ sở thực tế thu nhận được, CSGT sẽ không xử lý bạn vì lỗi đi sai làn.
Đối với những người chiếm dụng lòng đường để phơi rơm, thóc thì CSGT có quyền xử lý theo Điểm a Khoản 1 Điều 12 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử lý khi đi sai làn vì tránh chướng ngại vật. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 46/2016/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật