Thuyên chuyển viên chức thế nào là hợp pháp
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 Luật Viên chức 2010 có quy định:
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập không được đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức trong các trường hợp sau:
a) Viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn, đang điều trị bệnh nghề nghiệp theo quyết định của cơ sở chữa bệnh, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
b) Viên chức đang nghỉ hàng năm, nghỉ về việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cho phép;
c) Viên chức nữ đang trong thời gian có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hoạt động.
Như vậy theo khoản 3 hiệu trưởng không được ký quyết định cho thôi việc với bạn, việc sở trả lời bạn về việc hiệu trưởng ký quyết định cho thôi việc sẽ bị kỷ luật là đúng, bản thân bạn có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với trường tuy nhiên như vậy sẽ không thuộc trường hợp được thuyên chuyển công tác. Và trong khi nghỉ chế độ thai sản thì việc thực hiện thuyên chuyển công tác sẽ không được xem xét do bạn không làm việc trong thời gian này, bởi vậy sau khi hết chế độ thai sản khi bạn công tác trở lại thì mới có thể được xét thuyên chuyển công tác.
Để thực hiện thuyên chuyển đúng quy định thì bạn cần đăng ký giải quyết hồ sơ trên mạng Internet của phòng Tổ chức cán bộ- Sở Giáo dục và Đào tạo sau đó chuẩn bị hồ sơ như sau nộp về văn phòng của phòng Tổ chức cán bộ.
1. Công văn của cơ quan, đơn vị đồng ý tiếp nhận (nếu có);
2. Đơn xin thuyên chuyển công tác có ý kiến đồng ý của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi công tác. Công chức, viên chức đang công tác tại cơ quan, đơn vị trực thuộc phải có ý kiến cơ quan chủ quản cấp trên (Ủy ban nhân dân quận - huyện hoặc sở - ngành có liên quan);
3. Sơ yếu lý lịch có dán ảnh và xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị (mẫu sơ yếu lý lịch 2a-BNV/2007 ban hành kèm theo Quyết định số 06/2007/QĐ-BNV ngày 18 tháng 6 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ);
4. Bản sao văn bằng, chứng chỉ phù hợp với yêu cầu công việc;
5. Bản sao quyết định công nhận hết thời gian tập sự, thử việc hoặc quyết định bổ nhiệm ngạch công chức, viên chức;
6. Bản sao quyết định lương hiện hưởng;
7. Bản sao giấy đăng ký kết hôn;
8. Bản sao hộ khẩu thường trú của vợ hoặc chồng;
9. Phiếu đánh giá công chức, viên chức hàng năm;
10. Giấy xác nhận nơi đang công tác của chồng (hoặc vợ) hoặc ghi rõ lý do thuyên chuyển công tác;
Trong đó, phiếu đánh giá công chức, viên chức hàng năm thực hiện theo mẫu của Sở Giáo dục và Đào tạo nơi bạn công tác ban hành và sơ yếu lý lịch theo mẫu 2a-BNV/2007 ban hành kèm theo Quyết định 06/2007/QĐ-BNV. Đối với đơn xin thuyên chuyển công tác, bạn cần ghi rõ lý do muốn thuyên chuyển, nếu bạn là giáo viên cấp hai trở xuống thì cần xin ý kiến của Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện, phòng Nội vụ của Huyện sau đó mới chuyển lên Sở giáo dục của tỉnh, nếu bạn là giáo viên cấp ba thì trực tiếp nộp lên Sở Giáo dục - Đào tạo.
Sau đó nhận công văn thuyên chuyển của Sở Nội vụ và nhận Quyết định thuyên chuyển công tác (nếu như chuyển ra khỏi thành phố).
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thuyên chuyển viên chức hợp pháp. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Viên chức 2010 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật